Tại hội nghị diễn ra ở TP HCM, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý các DN xuất khẩu cần có những hoạch định chiến lược cho các thị trường mà Việt Nam đang có lợi thế; đặc biệt tại thị trường châu Á, châu Phi để tập trung những giải pháp duy trì giá trị xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa hiệu quả.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - cho biết 2 thị trường này đang chiếm tới 68% xuất nhập khẩu của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 500 tỉ USD. Dù thị trường rất tiềm năng nhưng các DN chưa có kế hoạch dài hơi để tiếp cận, khai thác. Riêng thị trường châu Phi nhập khẩu khoảng hơn 600 tỉ USD/năm nhưng Việt Nam mới chiếm 0,8% thị phần… Để giữ được những mục tiêu đề ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương lưu ý DN trong nước tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, nhất là phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, da giày để ổn định sản xuất, đón đầu các kế hoạch tới.
Còn tại thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, thông tin mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ các tỉnh, thành đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nên tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của các ngành hàng thiết yếu vẫn đạt khoảng 13%. Các đầu tàu kinh tế phía Nam có ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh: TP HCM tăng 9,7%, Bình Dương 13%...
Theo bà Nga, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều chương trình kích cầu hỗ trợ DN. Trong đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường trên toàn quốc; TP HCM có chương trình kết nối cung cầu với các tỉnh, thành dịp cuối năm… Bộ Công Thương kỳ vọng thông qua các chương trình này sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa, hỗ trợ DN sản xuất tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhất là các hệ thống bán lẻ hiện đại như AEON, Winmart, Saigon Co.op, Central Retail…
Bình luận (0)