Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do nguy cơ cháy nổ cao nên cần sự quản lý chặt. Tuy nhiên, sự khủng hoảng thừa của ngành này đang khiến cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu gas tuy khốc liệt nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.
Lệch giá theo... màu vỏ bình
Đầu tháng 11-2014, giá gas bán lẻ trong nước được các doanh nghiệp (DN) đầu mối công bố giảm mạnh theo giá thế giới, mức giảm trung bình 40.000-42.000 đồng/bình 12 kg - loại bình dùng chủ yếu trong gia đình (gọi tắt là bình).
Theo thông lệ nhiều năm nay, giá gas được các DN đầu mối thông báo vào ngày cuối của tháng trước, áp dụng cho nguyên tháng sau và căn cứ chủ yếu vào giá gas thế giới theo hợp đồng (CP) và Premium (vận chuyển, bảo hiểm, phụ phí...). Có những tháng, DN thông báo điều chỉnh mức chênh lệch chỉ 1.000 đồng/bình và thường không khác nhau nhiều giữa hàng chục thương hiệu gas trên thị trường.
Tuy nhiên, có một điều người tiêu dùng ít để ý là giá gốc của các thương hiệu gas lệch nhau khá nhiều, chủ yếu dựa trên... màu vỏ bình.
Cụ thể, theo khảo sát giá bán lẻ ngày 2-11 tại TP HCM, các bình gas có vỏ màu xám giá bán thấp nhất: H-gas 327.000 đồng, TTAgas bình truyền thống 340.000 đồng, SP 341.000 đồng, PetroVietnam và Petrolimex bằng giá 344.000 đồng, Giadinhgas 349.000 đồng.
Giá bán lẻ gas cao nhất trên thị trường TP HCM là Siamgas (thương hiệu Shell trước đây, có bình màu xanh) và Gia Đình VIP (bình màu vàng) lần lượt là 368.000 đồng và 367.000 đồng, đều chưa có tên trong danh sách các thương hiệu được Sở Công Thương TP HCM công bố đủ điều kiện kinh doanh.
Như vậy, cùng bình gas 12 kg nhưng mức lệch giá lên đến 41.000 đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những tháng trước đây, khi Sở Công Thương TP HCM chưa siết điều kiện kinh doanh, những thương hiệu này còn bán cao hơn thị trường gần cả chục ngàn đồng!
Những bình gas có giá cao thường được bán trong các chuỗi cửa hàng gas chuyên nghiệp. Ban đầu, họ “hút” người tiêu dùng bằng việc tặng quà có giá trị lên đến 30.000-50.000 đồng để giành khách từ những cửa hàng lẻ, về sau thì người tiêu dùng phải mua gas với giá cao.
Những người kinh doanh lâu năm trong ngành cho biết từ những năm 1997-1998, mỗi thương hiệu gas sơn một màu, như xám (SP), xanh đậm (VTgas), hồng (PetroVietnam), đỏ (Elf gaz bình 12,5 kg), xanh biển (Petrolimex), xanh BP (đã rời thị trường) và xanh Shell (bán lại cho Siamgas) nhưng sau đó, thị trường “trăm hoa đua nở”.
Các DN mới ra đời sơn vỏ bình theo loại bán chạy và dựa vào đó để định giá. Từ đó, gas bình xám trở thành rẻ nhất (giá công bố đến người tiêu dùng), gas giá cao bình phải màu xanh, đỏ và gần đây là vàng, trong khi giá bán sỉ lại không có sự khác biệt là bao.
Những phí không tên
Giá gas trong nước đã giảm mạnh nhưng so với thế giới thì giá bán lẻ vẫn còn cao gấp 1,5-1,7 lần giá nhập khẩu đến cảng (sau khi đã tính vận chuyển, thuế). Phải chăng các DN gas đang lãi khủng?
Tuy nhiên, ông Trần Minh Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dầu khí AnPha, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam - lại nêu thực trạng khác. Đó là cơ sở vật chất cho ngành gas đang khủng hoảng thừa, thừa từ vỏ bình cho đến kho bãi, trạm chiết, xe vận chuyển, cửa hàng nên năng suất và hiệu quả kinh doanh rất thấp. “Từ đó dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh vì trót đầu tư rồi thì sống chết cũng phải làm, kể cả làm bậy để tồn tại” - ông Loan thẳng thắn.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM, dẫn chứng chi phí khấu hao vỏ bình gas hiện ở mức 93.000 đồng/năm. Nếu xoay được 6-7 vòng/năm như trước đây thì phí trên mỗi lượt chỉ khoảng 15.000 đồng, trong khi hiện nay đẩy lên hơn 37.000 đồng do chỉ xoay được 2,5 vòng vì vỏ bình thừa và tình trạng bị chiếm dụng vỏ.
Còn theo một lãnh đạo Hiệp hội Gas Việt Nam thì ngành gas đang bị quá nhiều cơ quan nhà nước quản lý với nhiều thủ tục, giấy tờ hết sức rườm rà đã đẩy chi phí của DN lên cao khiến giá gas không thể hạ. Trong đó, nhiều chi phí thực tế hết sức vô lý như... mua giấy phép với số tiền không nhỏ.
Chính Sở Công Thương TP HCM cũng nhìn ra vấn đề này khi nhận xét trong báo cáo về quản lý ngành gas mới đây: “Việc tạm ngưng, không giải quyết cấp mới giấy phép kinh doanh cửa hàng LPG từ năm 2005 đã phát sinh tình trạng mua bán, chuyển nhượng giấy đăng ký kinh doanh giữa các cá nhân, tổ chức có nhu cầu với hộ kinh doanh LPG đã ngừng hoạt động hoặc chưa hoạt động (dưới hình thức hợp đồng ủy quyền) nên phát sinh tình trạng kinh doanh không chính chủ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mua một cửa hàng gas đang “sống” có đầy đủ giấy tờ pháp lý, có thể kinh doanh ngay lên đến 100 triệu đồng. Nếu cửa hàng này đã có lượng khách nhất định, giá còn cao hơn, ví dụ phải thêm 300 triệu đồng nếu sản lượng tiêu thụ của cửa hàng là 30 bình/ngày.
Chuyên nghiệp nhưng không “chính chủ”
Những năm gần đây, TP HCM hình thành nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ gas chuyên nghiệp như: B.M, R.Đ, N.G, A.D, N.L.V... nhưng về pháp lý thì vẫn là những cửa hàng của hộ cá thể, chưa thể chuyển đổi “chính chủ” được. Ông Trần Minh Loan cho rằng do chi phí đầu tư ban đầu quá lớn nên dù bán gas loại giá cao nhưng các chuỗi này vẫn đang giai đoạn đầu tư, chưa có lãi.
Bình luận (0)