xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị trường tài chính Việt Nam sốc nặng

THÁI PHƯƠNG - TÔ HÀ - SƠN NHUNG - BÍCH NGỌC

Thị trường tài chính Việt Nam hôm 24-6 đã dậy sóng khi vàng, chứng khoán liên tục chao đảo do ảnh hưởng từ sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu

Lúc 16 giờ ngày 24-6, giá vàng miếng SJC tại TP HCM mua vào 34,55 triệu đồng/lượng, bán ra 35,05 triệu đồng/lượng - tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Giá vàng đã có một ngày dậy sóng khi dao động từ 34,12-35,9 triệu đồng/lượng.

Biến động liên tục

Có thời điểm trong ngày, vàng SJC đã cán mốc 35,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra (tăng 1,8 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 23-6). Khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra cũng được các doanh nghiệp (DN) đẩy lên tới 500.000 đồng/lượng nhằm phòng ngừa rủi ro trước sự biến động quá mạnh của vàng sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết giá vàng đã có một ngày biến động rất mạnh mà không DN nào dự đoán được. Nhiều thời điểm, các DN phải giãn khoảng cách chênh lệch giá mua - bán vàng lên tới 600.000-700.000 đồng/lượng. Cũng vì giá vàng biến động mạnh nên lượng giao dịch trên thị trường không nhiều, chủ yếu sôi động về giá.

Trong khi đó, ở phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 24-6, có lúc VN-Index giảm gần 35 điểm, kéo về mốc 600 điểm, khiến nhà đầu tư lỡ ôm cổ phiếu hoang mang. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy ở phiên buổi chiều mạnh lên khiến thị trường giảm nhẹ lại.

img

Giá vàng tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng trong khi cả hai sàn chứng khoán có đến 384/483 cổ phiếu giảm giá trong ngày 24-6 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giá vàng tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng trong khi cả hai sàn chứng khoán có đến 384/483 cổ phiếu giảm giá trong ngày 24-6 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đóng cửa giao dịch, VN-Index giảm 11,50 điểm, còn 620,77 điểm; HNX-Index giảm 1,71 điểm, còn 83,62 điểm. Tuy vậy, giao dịch trên cả 2 sàn đã tăng mạnh trong phiên này với tổng giá trị đạt trên 6.131 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với phiên trước đó. Điều này cho thấy mặc dù bán tháo nhưng vẫn có lượng lớn nhà đầu tư mua vào cổ phiếu. Phiên này, cả 2 sàn có tổng cộng 384 cổ phiếu giảm giá, chỉ 99 mã tăng. Tính lại, giá trị vốn hóa trên các sàn giao dịch mất 29.800 tỉ đồng, riêng sàn TP HCM mất gần 25.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia tài chính nhận định trước đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bán ra nhiều so với mua vào nhưng không ít nhà đầu tư trong nước vẫn tin tưởng khó xảy ra sự kiện Brexit. Sau thông tin này, họ đã hoảng loạn và lập tức hạ vị thế mua, giảm tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu, đưa tài khoản về vị trí an toàn.

Dù vậy, một số nhà đầu tư đang có tiền mặt nhìn nhận thị trường vẫn còn nhiều cơ hội nên đã bắt đáy. Họ mua vào nhiều cổ phiếu ở mức giá sàn. Do đó, trong phiên buổi chiều, thị trường hồi phục trở lại. Đây là những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu trước đó và mua vào lướt sóng. Cũng có thể họ đầu tư giá trị nên cổ phiếu về vùng giá chấp nhận được là họ mua đầu tư.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng các nhà đầu tư lo sợ sau Anh, làn sóng rời khỏi EU thời gian tới sẽ còn tiếp tục khi Hà Lan cũng có ý định trưng cầu ý dân để rời liên minh. Tiếp đó là những thông tin xấu như Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức, thị trường chứng khoán thế giới đang chao đảo... Cùng lúc này, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều trong thời điểm giá vàng và USD trên thế giới đồng loạt tăng giá, cho thấy có sự bất ổn nên việc giảm tỉ trọng cổ phiếu đối với nhà đầu tư là cần thiết.

Chưa kể trong lịch sử 15 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index chỉ một lần vượt ngưỡng 650 điểm. Đến nay, ngưỡng này luôn bị lực cản lớn khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng nên chấp nhận bán ra khi có thông tin bất ổn.

Chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu

Một số DN xuất khẩu cho rằng Brexit mới chỉ làm chao đảo thị trường tài chính chứ chưa tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU, Anh.

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, xuất khẩu qua Anh chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 và nhập khẩu chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam. Cấu trúc xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Anh ít lệ thuộc vào Brexit.

Cụ thể, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỉ USD trong năm ngoái và 1,7 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, gần 47% hàng xuất khẩu sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Xuất khẩu của nhóm hàng này phụ thuộc vào những dòng sản phẩm của các nhà sản xuất Samsung, Sony, Toshiba, Foxconn… hơn là các thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam với Anh như một phần của EU hay trên cơ sở độc lập.

Nhiều mặt hàng khác như dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ cũng ít bị ảnh hưởng.

Chủ động ứng phó

Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận Brexit đang tác động xấu và gây đảo lộn kinh tế thế giới, trước hết là thị trường tài chính tiền tệ đã bị cơn sốc nặng. “EU sắp tới sẽ còn khó khăn nên Việt Nam cũng cần tính toán và đưa ra phương án ứng phó. Thu nhập của người dân Anh giảm cũng sẽ ảnh hưởng tới sức mua. Đầu tư từ Anh vào Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng” - TS Lê Đăng Doanh phân tích.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp qua quan hệ thương mại với EU. Do là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nên khi EU bị ảnh hưởng bởi sự kiện này thì sẽ có những hệ quả không mong muốn cho Việt Nam. Chẳng hạn, EU có thể dựng rào cản để phòng vệ thương mại đối với Anh và như vậy không có lợi cho các bên…

Cho dù nước Anh chọn con đường thoát khỏi EU thì cũng cần có lộ trình. Để giảm thiểu những tác động đến nền kinh tế, Việt Nam cần có những nghiên cứu, phân tích ảnh hưởng của quan hệ mậu dịch, bao gồm hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư giữa Việt Nam với EU và Anh.

Một cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phân tích việc Anh rời khỏi EU chắc chắn có những tác động nhất định mang tính kỹ thuật tới quan hệ song phương Việt - Anh. Chẳng hạn, một số vướng mắc có thể sẽ phải tháo gỡ trong quan hệ Việt - Anh. Đó là với những hiệp định Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc đang trong vòng đàm phán với EU có khả năng sẽ phải tách phần liên quan đến Anh thành hiệp định song phương Việt - Anh (Hiệp định khung EU - Việt Nam - FCA - 1995, Hiệp định Hợp tác và Đối tác Toàn diện - PCA - 2012, Hiệp định Tự do Thương mại - FTA đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2018).

Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu sang EU của Việt Nam trước nay vẫn theo hệ thống thuế quan chung của khối nhưng kể từ sau khi Anh rời khỏi EU, Việt Nam và Anh có thể sẽ phải đàm phán về một biểu thuế quan mới. Những khó khăn này không lớn và không khác biệt so với vấn đề mà các đối tác khác của Anh gặp phải.

Tại cuộc họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 và 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 24-6, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, đánh giá quyết định ra đi hay ở lại EU của Anh không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng chưa hẳn đã hội nhập sâu rộng. Mức độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam dường như mới chỉ bắt đầu.

Áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng tác động của Brexit có thể khiến các đồng tiền trong khu vực mất giá, từ đó ảnh hưởng đến tỉ giá USD/VNĐ. Khi các đồng tiền khác mất giá, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường sẽ khó khăn hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc điều chỉnh tỉ giá cho phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đang theo dõi diễn biến trên thị trường tài chính trong nước như vàng, chứng khoán, tỉ giá để kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước nhằm có giải pháp ứng phó phù hợp.

Theo một số công ty chứng khoán, Brexit có thể ảnh hưởng tới tỉ giá, ít nhất là biến động trong ngắn hạn. Từ đầu năm đến nay, VNĐ đã tăng giá 0,9% so với USD.

“Trong bối cảnh này, không ai đoán định được giá vàng tuần sau sẽ biến động như thế nào” - bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo