TS. Huỳnh Hữu Thuận và nhóm cộng sự ở Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) vừa nghiên cứu thành công sản phẩm "Vi mạch dùng SoC FPGA cho các ứng dụng IoT có tính bảo mật cao". Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình thiết kế vi mạch dùng SoC FPGA, thực hiện các lõi mã hóa, giải mã dữ liệu chạy trên SoC FPGA ở tốc độ 150-300 Mbps.
Ứng dụng sản phẩm IoT platform trong hệ thống báo cháy tự động (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Tốc độ này cho phép hệ thống được thiết kế có thể dùng cho nhiều ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực an ninh thông tin, phù hợp cho các ứng dụng xử lý tín hiệu theo thời gian thực.
Vi mạch đã được ứng dụng kiểm chứng bằng sản phẩm mẫu là IoT platform (dùng cho hệ thống báo cháy), việc báo cháy, hỗ trợ giám sát bằng ứng dụng Fire Alarm trên điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android. Khi phát hiện dấu hiệu xảy ra cháy, sẽ ngay lập tức gửi tin đến Smartphone, giúp người dùng có thể nhận biết và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Kiến trúc mạng của hệ thống báo cháy được triển khai theo kiến trúc phân tầng thiết bị, với kiến trúc mạng này, người dùng có thể dễ dàng quản lý hoạt động cũng như sửa chữa hay nâng cấp hệ thống. Điều này giúp hệ thống trở nên linh động hơn, mang nhiều ý nghĩa phục vụ cho việc mở rộng cũng như nâng cấp thêm chức năng mới về sau.
Theo các chuyên gia việc thiết kế thành công vi mạch SoC FPGA với các thuật toán mã hóa, giải mã mật mã (nhằm đảm bảo sự an toàn trong truyền thông tin) có kết hợp với các thành phần ngoại vi khác để thực hiện thành một platform ứng dụng trong lĩnh vực IoT mở ra hướng ứng dụng rất lớn trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.
TS. Huỳnh Hữu Thuận cho biết vi mạch SoC FPGA sẽ là nền tảng để phát triển Gateway cho các ứng dụng xử lý tốc độ cao, có kết hợp với mã hóa và giải mã mật mã với các IP phần cứng của các ứng dụng được phát triển thêm vào. Các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ có thể thay thế lõi ARM bên trong SoC FPGA bằng lõi RISC V để tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh.
Bình luận (0)