Thực trạng chung là các nhà cung cấp nguyên - phụ liệu Việt Nam yếu về tài chính để đầu tư nhiều, dài hạn; yếu về công nghệ và thiếu cả sự hỗ trợ của nhà nước
Ngành công nghiệp ô tô gần như phá sản; công nghiệp cơ khí vẫn là lắp ráp; điện tử, may mặc phát triển được là nhờ gia công, xuất khẩu hộ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài... Nền công nghiệp Việt Nam khó có thể phát triển bền vững nếu các DN cứ mãi đứng ngoài chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như hiện nay.
Nước ngoài “ăn” hết
Từ nhiều năm qua, dệt may là một trong những mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17,95 tỉ USD, tăng 2,86 tỉ USD so với năm trước. Để có được thành quả xuất khẩu ấn tượng này, ngành dệt may trong nước phải nhập khẩu nguyên- phụ liệu đến 14,81 tỉ USD. Hàng may mặc chủ yếu gia công nên lợi thế giá trị gia tăng từ xuất khẩu không cao.
Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết đến nay, ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu 70% nguyên - phụ liệu cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Việc xây dựng vùng sản xuất sợi, dệt, nhuộm cho ngành dệt may vẫn ở bước khởi đầu. Không ít lần các DN đã đề nghị nhưng các kế hoạch vẫn nằm trên giấy hoặc tiến độ triển khai rất chậm. “Việc phải nhập khẩu nguyên- phụ liệu dệt may từ thị trường chính là Trung Quốc khiến DN trong nước rất khó cạnh tranh với nước ngoài, không chủ động được nguồn hàng và bị ép giá” - ông Hồng nói.
Lãnh đạo một DN dệt may cho biết không ít lần đi họp phát triển vùng nguyên- phụ liệu cho dệt may về, ông khấp khởi vui mừng, nghĩ rằng đến 80%-90% sẽ phát triển thành công nhưng vài tháng sau, mọi chuyện vẫn như cũ!
Năm 2013, xuất khẩu ở lĩnh vực điện tử tiếp tục đạt kim ngạch lớn, vượt lên dẫn đầu tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và nhà đầu tư nước ngoài là Samsung chiếm đến 80%-90% tỉ trọng xuất khẩu điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung năm 2013 là 23,9 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu 16,3 tỉ USD; tỉ lệ nội địa hóa khoảng 33%. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Vina, cho biết hiện có 48 DN phụ trợ nước ngoài vào Việt Nam để chuyên cung cấp cho Samsung, trong khi đó DN thuần nội địa tham gia chuỗi cung ứng Samsung chỉ mới 4 và chỉ cung cấp dây nhợ, thùng hộp. Các DN thuần Việt không xoay trở kịp nên không thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Thiếu giải pháp cụ thể
Từ khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khởi động đàm phán đến nay, các DN ngành dệt may mới bắt đầu “chạy đua” xây dựng vùng nguyên - phụ liệu bởi nếu có TPP mà không phát triển DN phụ trợ thì không thể khai thác được lợi thế, thậm chí còn đánh mất lợi thế trên sân nhà. Vì vậy, nếu trước đây, các DN có khả năng nhưng không dám sản xuất, chỉ đặt mua nguyên- phụ liệu bên ngoài thì bây giờ đã bắt đầu tham gia đầu tư, xây dựng vùng nguyên- phụ liệu và đang được hiệp hội khuyến khích.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam, nói rằng điều ông trăn trở nhất là ngành công nghiệp phụ trợ. Để phát triển ngành này, cần phân biệt rõ công nghiệp phụ trợ cho những nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam và công nghiệp phụ trợ cho việc xuất khẩu ra thế giới. Hiện chúng ta đang quan tâm tới công nghiệp phụ trợ trong nước cho các tập đoàn lớn như Samsung, Nokia, Sony… Như Bosch, hiện có nhà máy lớn tại Long Thành (Đồng Nai) sản xuất linh kiện ô tô, mỗi năm cung cấp ra thị trường thế giới 2-3 triệu sản phẩm. “Muốn cạnh tranh được, phải quan tâm đến giá bán, giá thành, số lượng… Khi đó, các chính sách ưu đãi rõ ràng đối với công nghiệp phụ trợ phục vụ hoạt động xuất khẩu cũng rất quan trọng” - ông Huệ nói.
Theo ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật Công ty CP Truyền thông Sơn Ca, để phát triển công nghiệp phụ trợ, vấn đề không chỉ là chính sách của nhà nước mà là bản thân DN. DN phải “đặt hàng” cần hỗ trợ gì để đáp ứng nhu cầu nhà sản xuất. “Tôi không nghĩ là chúng ta không có chiến lược, cái chính là không có giải pháp cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong thời gian dài” - ông Chính nói.
Kỳ tới: Sai lầm trong quá khứ
Vốn FDI né công nghiệp phụ trợ
TS Huỳnh Ngọc Phiên, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Amata Việt Nam, cho rằng việc thu hút nguồn vốn FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay khó đạt hiệu quả. Lâu nay, nói đến thu hút công nghiệp phụ trợ, nhiều người nghĩ ngay đến 2 KCN ở Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu theo chủ trương của nhà nước nhưng thực tế, các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ thường đi theo các nhà đầu tư lớn, vì thế “ép” họ vào địa phương được định sẵn là rất khó. Chẳng hạn, khi Samsung đầu tư 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Thái Nguyên, Bắc Ninh đã kéo theo hàng loạt DN nhỏ cung ứng linh kiện, thiết bị... “Muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, nhà nước chỉ cần định hướng chính sách, DN nào đáp ứng được thì cho ưu đãi, còn việc DN lựa chọn đầu tư ở đâu là do họ quyết định” - TS Phiên nói.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, thu hút vốn FDI để làm cho nội địa mạnh hơn nhưng thực tế DN trong nước vẫn chưa tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản xuất của DN nước ngoài, toàn cầu.
Bình luận (0)