Có điều gì bất thường qua con số này trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp mà lại phải nhập thịt bò để ăn?
Tăng vọt nhưng không bất thường
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết lượng bò nhập từ Úc tăng mạnh là để bù vào lượng hụt từ nguồn các nước Lào, Campuchia, Thái Lan qua đường mậu biên. Do nhập khẩu qua đường mậu biên nên không có con số thống kê chính thức nhưng ước tính từ các nhà chuyên môn, con số này vào khoảng 180.000 con (tương đương 54.000 tấn trâu bò hơi) mỗi năm.
Năm 2013, con số này chỉ còn khoảng 96.000 con/năm, giảm gần một nửa và bù vào bằng bò Úc có trọng lượng lớn hơn. Tương tự, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cũng đánh giá việc tăng số lượng bò Úc nhập khẩu là do sự chuyển dịch từ nhập bò bằng đường mậu biên sang chính ngạch, còn tổng lượng bò nhập cho tiêu dùng nội địa trước giờ không thay đổi nhiều và không ảnh hưởng đến nông dân nuôi bò trong nước.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn do khẩu phần ăn của người Việt, thịt trâu bò chỉ mới chiếm 6% các loại thịt trong khi con số trung bình của thế giới là 23%. “Do không có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc nên mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 370.000 tấn thịt trâu bò hơi, không đủ cho tiêu dùng trong nước nên phải nhập khẩu thêm” - ông Vang nói.
Cơ hội nào cho người chăn nuôi Việt?
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết không phải người chăn nuôi không thấy được tiềm năng của con bò thịt mà do không có đất để phát triển nuôi bò theo quy mô công nghiệp. “Hiện nay, việc phân công lao động không phải ở từng nước mà quy mô toàn cầu.
Với giá đất ở Việt Nam thì giá thành nuôi bò công nghiệp không thể cạnh tranh nổi với bò Úc nhập khẩu. Vì thế, ngoài những hộ gia đình chăn nuôi bò theo kiểu lấy công làm lời, người nuôi bò chuyên nghiệp chỉ có thể chen chân ở giai đoạn vỗ béo. Tức mua những con bò gầy từ các đàn bò ở những vùng bước vào mùa khô, thiếu cỏ sau đó tập trung vỗ béo trước khi giết mổ” - ông Công nói thêm.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh dự án nuôi bò của mình, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khẳng định sẽ không cạnh tranh với nông dân nuôi bò mà chỉ thay thế lượng bò nhập khẩu từ các nước, còn bò của nông dân vẫn ra thị trường bình thường. Ông Đức cũng giải thích lý do nuôi bò thịt ở Lào và Campuchia là vì Việt Nam không có quỹ đất để nuôi. Dự án nuôi bò thịt của Hoàng Anh Gia Lai lên đến 116.000 con và dự kiến giữa năm 2015 sẽ có sản phẩm thịt ra thị trường thông qua đối tác Vissan.
Với nguồn cung dồi dào, hiện nay, bò Úc không chỉ tràn ngập siêu thị, chợ truyền thống mà còn phát triển ở các cửa hàng chuyên doanh bò Úc. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH TM DV XNK Thực phẩm Sạch (thương hiệu Fresfoco), đánh giá bò Úc hiện đã chiếm từ 60%-70% thị phần bò tươi tại TP HCM và vẫn còn có khả năng tăng tiếp.
Ngoài cung cấp thịt bò, sắp tới, Fresfoco còn dự định đưa ra thị trường các loại phụ phẩm được xếp vào hàng đặc sản như: pín, tim, lá sách, bao tử... và phát triển chuỗi nhà hàng chuyên về bò như phở bò sạch, lẩu bò để thêm lựa chọn cho người tiêu dùng. Ưu điểm của bò Úc là có nguồn cung lớn và được phía Úc giám sát quy trình giết mổ nhân đạo (ESCAS) cũng như hỗ trợ để thực hiện chuỗi thực phẩm kín.
Thịt được đóng gói, hút chân không, gắn thương hiệu, chuyên chở bằng xe đông lạnh đến các điểm bán và tại đây, thịt bò được bảo quản bằng tủ mát nên bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, bò nội do nông dân nuôi nhỏ lẻ thiếu về số lượng cũng như sự đồng bộ nên khó tham gia chuỗi khép kín. Ông Phong hy vọng sắp tới, các hộ nông dân có thể tập hợp lại tăng quy mô chăn nuôi và Fresfoco sẵn sàng hợp tác để bà con nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng vì thực tế bò Úc sau khi nhập về vẫn tiếp tục được nuôi thêm trước khi giết mổ.
Bò Kobe giả mạo tái xuất
Hiện nay, một số đầu mối cung cấp thịt bò nhập khẩu công khai chào bán thịt bò Kobe Nhật Bản giá từ 2,9-3,7 triệu đồng/kg với lý do từ tháng 6-2014, Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu loại thịt bò cao cấp này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, loại thịt bò được phép nhập là Wagyu, còn bò Kobe trước giờ với chính sách bảo tồn giống quý hiếm, phía Nhật Bản cấm xuất khẩu nên Việt Nam không thể có loại bò này để kinh doanh thương mại.
Bình luận (0)