Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Lý Việt Trung, Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP HCM, Trưởng khối thi đua 5 năm 2022, thông tin theo kết quả tổng điều tra kinh tế 2021, trên địa bàn TP HCM là 216.170 doanh nghiệp (tăng 26,2% so với năm 2016); 458 đơn vị HTX (tăng 16,5% so với năm 2016). Dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh COVID-19 nhưng TP HCM vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới lẫn số vốn đăng ký mới.
Các số liệu thống kê của TP HCM cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố tăng trưởng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách gần 350.000 tỉ đồng (hơn 90% dự toán năm, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 36 tỉ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP HCM ước tăng 9,44% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị sáng nay
"Những con số chứng tỏ thành phố chúng ta đang hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau dịch bệnh. Kết quả này có được là nhờ những quyết sách, chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, của thành phố cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực của các doanh nhân trong việc khắc phục hậu quả do dịch bệnh, khó khăn khách quan do thị trường thế giới biến động,…
Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế; đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng" - bà Lý Việt Trung nhận định.
Theo ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, Ban tổ chức đã nhận được 24 bài tham luận của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện, hội, CLB doanh nghiệp và doanh nhân.
"Nhìn chung, các tác giả đều thống nhất về vai trò rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân, nhất là sau đại dịch COVID-19 và các tác giả cũng thống nhất tiếp tục cần nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TP HCM trong tình hình mới và xây dựng bản sắc văn hóa đặc trưng của doanh nhân Thành phố trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh" - ông Trần Hoàng đúc kết.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM, nhấn mạnh doanh nghiệp Việt cần có tư duy toàn cầu. Cần nắm bắt khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của Việt Nam như: tài nguyên, nhân lực và khả năng thích ứng cao, nhanh nhạy của doanh nghiệp trong nước. "Chúng ta cần có sự đồng thuận, ủng hộ và hợp tác từ mọi phía để tập hợp tối đa các nguồn lực cho một khát vọng của cả dân tộc, đưa giá trị thương hiệu Việt Nam có chỗ đứng trong bản đồ kinh tế thế giới" - ông Hải nêu ý kiến.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM, thập niên 2020 – 2030 là thời cơ duy nhất còn lại để Việt Nam bứt phá và trở thành một cường quốc, không chỉ riêng lĩnh vực xây dựng mà là tất cả các ngành nghề.
"Chúng ta không thể chậm chân được nữa vì giai đoạn dân số vàng của Việt Nam chỉ còn khoảng 10 năm nữa (theo dự báo kể từ năm 2035 dân số Việt Nam sẽ bắt đầu già đi) do đó doanh nhân chúng ta cần nỗ lực gấp 3 - 4 lần thì mới có thể bứt phá được"- ông Lê Viết Hải nhận định.
Bình luận (0)