Một số thông tin xuất hiện trên thị trường tuần qua đến từ phát ngôn của chính lãnh đạo các doanh nghiệp gây bức xúc cho không ít nhà đầu tư. Cụ thể, họ cho rằng, thị trường đang định giá vô lý các cổ phiếu X, Y nào đó.
Phản ứng của thị trường và nhà đầu tư sau đó rất rõ: cổ phiếu tiếp tục rớt giá và lãnh đạo doanh nghiệp bị “ném đá” tơi tả trên các diễn đàn chứng khoán.
Ảnh minh họa
Tương tự, nhiều bài viết phân tích và chỉ ra thực tế “dưới chuẩn” của một số cổ phiếu mới niêm yết đã thu hút sự chú ý của không chỉ các nhà đầu tư mà cả giới chuyên môn, lãnh đạo các công ty chứng khoán. Bên cạnh cung cấp thêm thông tin để nhà đầu tư có cơ sở xem xét, câu hỏi lớn đặt ra là: chợ chứng khoán Việt Nam sẽ đi về đâu với những hàng hóa như vậy, đặc biệt khi những lùm xùm gần đây liên quan đến chất lượng cổ phiếu TTF, ATA, JVC, MTM… vẫn chưa lắng xuống.
Những bài học nhãn tiền về thông tin doanh nghiệp đưa ra có thể quay ngoắt 180 độ, sự thua lỗ, mất mát một cách oan uổng của nhiều nhà đầu tư khiến niềm tin trên thị trường bị ảnh hưởng nặng nề. Đó có thể là một lý do giải thích cho việc vì sao lãi suất dù duy trì ở mức thấp nhưng tiền vẫn chảy vào kênh tiết kiệm. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 8, vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm.
Bình luận về câu chuyện thị trường, giám đốc một quỹ đầu tư với quy mô hơn 300 triệu USD nhận xét, trên hai sàn có quá nhiều công ty niêm yết có quy mô nhỏ và hoạt động không theo quy chuẩn, không đúng với quy định về công ty đại chúng. Vị giám đốc này còn chia sẻ rằng, theo kinh nghiệm của họ, ngay cả khi nhà đầu tư đã rất quen thuộc với việc đầu tư tài chính thì vẫn cần phải tập trung vào việc giám sát hoạt động của các công ty mà họ đầu tư. Rõ ràng là niềm tin của nhà đầu tư rất yếu và họ phải “xộc” vào tận doanh nghiệp. Đó là các cổ đông lớn, nhà đầu tư chuyên nghiệp, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì sao? Họ rất cần cơ quan quản lý thị trường tăng cường các biện pháp bảo vệ.
Đọc và nghe những chia sẻ của nhà đầu tư liên quan đến câu chuyện của các cổ phiếu có màu sắc “dưới chuẩn”, liên tưởng đến một phát biểu ấn tượng của “phù thủy” marketing Trần Bảo Minh: “Không thể mang một thông điệp đẹp đẽ ra để nói với người tiêu dùng trong khi bản chất sản phẩm của anh không đáp ứng được thông điệp đó”.
Ngay cả khi câu chuyện có thể hay, bằng biện pháp kỹ thuật khéo léo, có thể giá cổ phiếu sẽ có những cú huých trong ngắn hạn, nhưng nếu nhà đầu tư trót tin và mất rất nhiều tiền, quan trọng hơn là sức khỏe doanh nghiệp không như thông điệp được tô vẽ thì chắc chắn những cú huých như vậy không tồn tại lâu dài, cổ phiếu nhất định kém sức bền.
Bình luận (0)