Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những bước đi cần thiết mà Chính phủ cần thực hiện để giúp doanh nghiệp (DN) tối ưu hóa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các chuyên gia, diễn giả Việt Nam và quốc tế đã nhấn mạnh như vậy ở hội thảo bàn tròn EVFTA - Cải thiện môi trường kinh doanh do Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 18-12.
Tận dụng cơ hội tham gia chuỗi
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam, cho biết sau hơn 4 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao của Việt Nam như tôm, thủy hải sản đã đạt mức tăng trưởng khá. Các địa phương, ban ngành của Việt Nam đều có những động thái tích cực để triển khai EVFTA này. "EVFTA là cơ hội để những nhà sản xuất Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cùng các công ty châu Âu. Cụ thể, EVFTA mang đến sự phát triển bền vững, cải thiện khung pháp lý cho những quốc gia tham gia. FTA (hiệp định thương mại tự do) này cũng giúp gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, cho phép DN Việt Nam và EU tiết kiệm chi phí, không những vậy còn giúp tiết kiệm thời gian nhờ cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Điều này còn quan trọng hơn việc cắt giảm thuế quan vì nó giúp phát triển những sản phẩm mang tính dài hạn, mở rộng sự hiện diện của DN Việt trong chuỗi cung ứng" - Đại sứ EU tại Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng bày tỏ sự phấn khởi vì giao thương giữa 2 thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ông Lương Hoàng Phái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho hay chỉ trong 3 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu 11,08 tỉ USD sang các nước EU, tăng 5% so cùng kỳ; ngược lại, xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng tăng tới 11%, đạt 4,9 tỉ USD. Đây là kết quả đáng khích lệ. "Với hiệp định này, chúng ta đã và đang trong quá trình kết nối với thế giới. Cải thiện môi trường kinh doanh để Việt Nam thân thiện hơn khi thực hiện EVFTA cũng là tầm nhìn quan trọng mà Chính phủ Việt Nam ưu tiên. Việt Nam đã cố gắng để giảm bớt quy trình thủ tục, đặc biệt là liên quan xuất nhập khẩu, vận hành. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta phải cố gắng gấp đôi, giảm thêm 25% quy trình thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam không chỉ tập trung tăng trưởng về thương mại mà còn phải thực hiện quy trình chuẩn để tạo môi trường kinh doanh thân thiện" - ông Lương Hoàng Phái thông tin và nêu dẫn chứng EVFTA đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có cổng thông tin điện tử cung cấp tất cả thông tin liên quan đến đấu thầu, mua sắm Chính phủ. Cổng thông tin này sẽ nhận được sự hỗ trợ của EU giúp cải thiện mua sắm Chính phủ.
Nói về việc cải thiện môi trường kinh doanh để thực hiện và tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là EVFTA, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM, cho biết tỉ lệ tận dụng các ưu đãi của Việt Nam trong các FTA năm 2019 còn rất hạn chế, mới đạt 37%. "Muốn được hưởng ưu đãi theo các FTA, phải tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và phải có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh, nếu không sẽ không được hưởng lợi gì ở một số ngành. Cũng cần lưu ý đến hàng rào kỹ thuật, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế quan… Vì vậy, tôi khuyến nghị các cơ quan nhà nước nên tập trung đầu tư, khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển" - ông Nam nêu ý kiến.
Thủy sản là một trong những ngành được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: NGỌC ÁNH
Yên tâm về sự ổn định
Nhìn nhận Chính phủ Việt Nam đang tích cực thay đổi môi trường kinh doanh, ông Giorgio Aliberti cho rằng EVFTA đã tác động để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng hơn trong tương lai dài hạn. "EVFTA sẽ mở cửa cho DN Việt Nam tiến vào thị trường EU dễ dàng hơn, mang lại cơ hội phát triển tốt hơn cho Việt Nam. Điều quan trọng là EVFTA không chỉ cải thiện việc giao thương mà còn đem tới những tác động khác trong mối quan hệ giữa Việt Nam với EU" - ông Giorgio Aliberti phát biểu.
Cụ thể, theo ông Giorgio Aliberti, việc thay đổi môi trường kinh doanh về dài hạn sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa. "Chúng ta đang đi trên hành trình để tiến tới mục tiêu chung, thông qua EVFTA sẽ có những khoản đầu tư chất lượng hơn tại Việt Nam. EU đã đạt được kết quả cao trong đơn giản hóa quy trình, Việt Nam cũng đang trên bước đường đơn giản hóa quy trình và khuôn khổ hành chính. Việt Nam đang bắt đầu hành trình cải thiện về thể chế và môi trường kinh doanh nhưng quan trọng là Chính phủ phải có sự đồng thuận trong hướng đi này" - ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.
Ở góc độ DN, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng Chính phủ Việt Nam cần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. "Làm sao chúng tôi đầu tư được vào năng lượng nếu không biết giá của năng lượng trong vòng 2 năm tới? Nếu nhìn vào bức tranh 20 năm thì đầu tư vào Việt Nam ra sao khi Chính phủ đang thảo luận về kế hoạch phát triển sắp tới cho Việt Nam, những cái cần điều chỉnh và ưu tiên…" - đại diện EuroCham đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Văn Thân (Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ), Việt Nam đang tập trung rất nhiều về việc cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh thể chế để phù hợp với các FTA nên nhà đầu tư cứ yên tâm về sự ổn định. "Cải cách thủ tục hành chính là cuộc cách mạng về tư duy nên không thể một sớm một chiều" - ông Thân nhắc lại.
Việt Nam cần thị trường khó tính
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận thủy hải sản là một trong những ngành được hưởng lợi từ EVFTA nhưng cũng đầy thách thức. Vấn đề lớn nhất là môi trường và phát triển bền vững, thủy sản Việt Nam muốn hưởng lợi từ EVFTA thì phải tập trung nuôi trồng trên biển, bảo đảm quy tắc xuất xứ hàng hóa. Tương lai 10-20 năm nữa, muốn bán được hàng, Việt Nam sẽ phải làm quy tắc xuất xứ cho tất cả thị trường trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Thân nhắc lại EU là thị trường khó tính, Việt Nam muốn phát triển bền vững cần phải có những thị trường như vậy. "Ngoại trừ những DN xuất khẩu đã có tên tuổi ở nước ngoài, có đủ kinh nghiệm để làm thị trường EU, những DN chưa có kinh nghiệm hãy chọn cung ứng dịch vụ cho các DN xuất khẩu hoặc ủy thác cho các DN này để giảm chi phí và học hỏi kinh nghiệm" - ông Thân đưa ra lời khuyên.
Bình luận (0)