Ngày 11-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tham dự buổi thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa.
Theo Thủ tướng, các nhà đầu tư đều hỏi về luật pháp khi nói về vấn đề đầu tư vào Việt Nam. "Các nhà đầu tư họ tin vào luật, không tin Nghị định. Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư, để xã hội hoá, kêu gọi tư nhân đầu tư" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải có pháp luật bảo vệ thì nhà đầu tư mới dám bỏ vốn ra đầu tư
Thủ tướng tiếp tục tái khẳng định xây dựng luật PPP (đối tác công tư) để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển đất nước là một hướng đi hết sức cần thiết. Bởi theo Thủ tướng, khi đi công tác ở địa phương, người dân phàn nàn về việc thiếu vốn đầu tư hạ tầng, từ công trình quy mô nhỏ đến lớn.
"Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ sản xuất, kinh doanh vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đồng thời cho rằng nguồn lực trong dân còn lớn nhưng thiếu cơ chế, thiếu pháp luật để bảo vệ nên người dân không đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn, nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng pháp luật hiện nay còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng băn khoăn khi pháp luật hiện nay còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam. Do đó, Thủ tướng cho rằng nếu gỡ vướng được về thể chế thì môi trường đầu tư sẽ tốt lên, giúp cho đất nước phát triển.
"Theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư thì cả Nhà nước và nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước"- Thủ tướng khẳng định.
Từ những yếu tố ở trên, Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư để họ yên lòng. Dù vậy, việc bảo vệ quyền lợi cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường. Theo đó, khi quyết định danh mục đầu tư PPP thì quyền lợi Nhà nước và tư nhân đều được đảm bảo. Để thực hiện được điều này, Thủ tướng lưu ý phải có thủ tục thuận lợi, minh bạch, công khai, mang tính thị trường, các quan điểm này phải thiết kế rõ ràng trong dự thảo luật.
Cũng tham gia thảo luận tại tổ về dự án luật PPP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tinh thần khi xây dựng dự thảo luật là Nhà nước hợp tác với tư nhân nên phải bình đẳng với nhau, minh bạch, chia sẻ những mặt được và rủi ro.
Theo Bộ trưởng, về quy mô dự án, có 2 phương án gồm quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (nhưng không thấp hơn 200 tỉ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý - PV).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ xem xét kỹ về vấn đề quy mô của dự án PPP
Phương án 2 là không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trên thực tế, để tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, đúng mục đích, thì PPP phù hợp với các dự án hạ tầng có quy mô lớn. "Bởi để chuẩn bị một dự án là rất công phu, mất thời gian, tốn tiền bạc. Nếu các dự án nhỏ cũng làm theo hình thức PPP thì rất phân tán. Kinh nghiệm ở các nước là các dự án trên 50 triệu USD mới làm PPP, điển hình là Hàn Quốc"- ông Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng, các dự án nhỏ chúng ta đã làm theo nhiều hình thức khác như khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư, hiện bệnh viện, trường học tư nhân đã làm rất nhiều. "Còn ở PPP, chúng ta kêu gọi làm dư án cho ra tấm ra món"- ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, dự thảo luật phải thiết kế làm sao để nhà đầu tư họ tham gia đầu tư, không thể đẩy hết rủi ro của nhà nước về phía nhà đầu tư được.
"Làm sao để luật phải bình đẳng, bảo đảm rủi ro, tạo hành lang pháp lý tốt cho nhà đầu tư tham gia. Nhà đầu tư họ có một quyền duy nhất, là quyền có tham gia, có chơi với chúng ta hay không, có bỏ tiền ra đầu tư hay không"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bình luận (0)