Đây là ý kiến của TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chia sẻ tại Hội nghị đầu tư 2019 do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức ngày 5-11.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam giai đoạn 2020-2030, đặc biệt những tác động đến thị trường đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản…
Theo TS Võ Trí Thành, mục tiêu của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 tối thiểu trung bình 7,5%/năm. Dù còn nhiều thách thức trong giai đoạn mới nhưng nền kinh tế Việt Nam được dự báo trong những năm tới sẽ trở thành thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư, đa dạng hóa các lĩnh vực tiềm năng từ hỗ trợ tiêu dùng như phân phối bán lẻ; du lịch; hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị như dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, logistics hay các lĩnh vực mới nổi từ kinh tế xanh, kinh tế đa nền tảng, thương mại điện tử, fintech (công nghệ tài chính)…
Thị trường bán lẻ được đánh giá nhiều tiềm năng, hấp dẫn. Ảnh: Hoàng Triều
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá sao về thị trường Việt Nam? Theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Riêng tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Arab Saudi, Ấn Độ và Qatar.
TS Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm đầu tư, bởi Việt Nam đã, đang tham gia tới 16 hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA…
"Đây không chỉ là thị trường 100 triệu dân, mà là cơ hội để nhà đầu tư quan hệ với rất nhiều đối tác của các nước, trong khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế về dân số vàng, thị trường nội địa rộng mở cùng tầng lớp trung lưu tăng; chiến lược chuyển hướng của các nhà đầu tư trước tác động thương chiến Mỹ - Trung... Hội nhập sâu rộng đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm đầu tư, kinh doanh. Quan trọng hơn, tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo sức ép để đẩy nhanh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh" - TS Võ Trí Thành nhận định.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nguyên cứu và Quản lý kinh tế trung ương thông tin 10 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam đạt 8,5% nhưng chủ yếu tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ trên dưới 25%, trong khi xuất khẩu vào thị trường EU bị âm. Đây là nguyên nhân bên cạnh những yếu tố tích cực như đơn đặt hàng mới, chuyển hướng thương mại, đầu tư gắn với xuất khẩu, Việt Nam đang phải lưu ý và đẩy mạnh xử lý nạn gian lận xuất xứ.
"Bởi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam có thể bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba" – TS Võ Trí Thành nói.
Về bất động sản, ông Michael Paul Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Capital, đã chỉ ra những tiềm năng phát triển trong những năm tới, tập trung vào phân khúc thị trường nghỉ dưỡng, nhà ở cao cấp, thị trường công nghiệp và hậu cần do sự phát triển của cơ sở hạ tầng và hàng không giá rẻ; sức hút của nhà đầu tư nước ngoài...
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng cùng với doanh số bán lẻ trở thành yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng logistic hiện đại, trung bình 20%/năm trong 5 năm qua.
Bình luận (0)