Thủ tướng thăm dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast
Theo lãnh đạo của Tập đoàn Vingroup, mục tiêu của kế hoạch này nhằm góp phần cải thiện chất lượng và hệ thống phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam, đồng thời với việc sản xuất xe máy điện và ô tô điện cỡ nhỏ, VinFast cũng mong muốn tạo đột phá trong vấn đề giảm thiểu lượng khí thải ô nhiễm ra môi trường.
Hiện tại, VinFast đang làm việc với các đối tác quốc tế uy tín để đảm bảo ra đời những dòng sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Như vậy, với riêng ô tô, VinFast sẽ có 5 dòng sản phẩm bao gồm: xe 5 chỗ (Sedan), xe thể thao việt dã (SUV), xe cỡ nhỏ, xe ô tô điện và xe buýt điện, đều dự kiến ra mắt vào năm 2019.
Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast được triển khai trên khu đất rộng 335 ha tại Khu Công nghiệp Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng).
Sau hơn 8 tháng kể từ ngày khởi công, đến nay khu nhà điều hành dự án gần như đã hoàn thiện, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2018.
Tại khu vực sản xuất, khu nhà xưởng sản xuất xe máy đang tiến hành lắp đặt thiết bị, trong khi khu nhà máy sản xuất ô tô dự kiến sẽ lắp đặt thiết bị từ 1-8-2018. Hiện VinFast đã đàm phán và thỏa thuận xong hợp đồng với các công ty uy tín hàng đầu thế giới để cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị và máymóc cho 5 phân xưởng, bao gồm: xưởng dập, xưởng hàn thân xe, xưởng sản xuất động cơ, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, hoàn thiện và kiểm tra xe.
Ngoài ra, VinFast cũng có một khu nội địa hoá riêng để đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hoá của sản phẩm.
Đến nay, đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng và thiết kế xây dựng nhà xưởng tại khu nội địa hóa của VinFast. Trong đó, dự kiến có 4 nhà máy VinFast tự đầu tư, 2 nhà máy liên doanh và 2 nhà máy 100% vốn của nhà cung cấp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi chứng kiến tiến độ bứt phá ngoạn mục của Vingroup trong việc sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam-VinFast.
Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Vingroup và sự chỉ đạo của TP Hải Phòng, chỉ trong thời gian ngắn các bên liên quan đã san lấp xong mặt bằng rộng 335 ha và nay đạt 500.000 m2 nhà xưởng.
Theo Thủ tướng, những kết quả ban đầu này là tin vui với Chính phủ, với TP Hải Phòng và người dân Việt Nam vì lần đầu tiên chúng ta có thương hiệu ô tô Việt Nam sản xuất trong nước với công nghệ hiện đại, trong đó có các thiết bị rất quan trọng như động cơ, trục khuỷu cùng các thiết bị quan trọng khác của ngành ô tô.
Thủ tướng khẳng định Vingroup đi đầu trong việc thực hiện định hướng này, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ các công ty, đơn vị trong nước đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
"Các bạn đã đi đúng hướng, không những có khả năng, nguồn lực lớn mà còn có đội ngũ chuyên gia giỏi toàn cầu để áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất ô tô"- Thủ tướng nói và đánh giá cao việc VinFast đã dành công sức đào tạo công nhân Việt Nam để vận hành hệ thống. Cùng với đó, VinFast đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam khi dự kiến dành 70 ha để phát triển công nghiệp phụ trợ, một khâu còn yếu của Việt Nam.
Thủ tướng tin tưởng VinFast sẽ thành công và đề nghị các bộ, ngành, TP Hải Phòng tạo điều kiện cho thương hiệu VinFast thành công bởi "đây là mong mỏi của tất cả chúng ta".
Cũng trong chiều 13-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khai trương và đón chuyến tàu đầu tiên cập Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT).
Cảng do liên doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, Công ty Wan Hai Lines Đài Loan và Tập đoàn Itochu Nhật Bản đầu tư.
Cảng HICT là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.
Cảng HICT độ sâu trước bến 16 m; vũng quay tàu rộng 660 m, độ sâu luồng tàu 14 m (chưa tính thủy triều). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 1,1 triệu TEU/năm.
Cảng HICT đi vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam; tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước đó, sáng ngày 13-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ động thổ dự án "Trung tâm thương mại AEONMALL Hải Phòng Lê Chân dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào mùa hè năm 2020.
Bình luận (0)