xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thức ăn nhanh lỗ bất thường: Khó xác định chuyển giá

Thanh Nhân - Phương Nhung

Việt Nam có quy định về cấm chuyển giá cũng như giám sát các giao dịch liên kết nhưng còn chung chung, gây khó khăn khi áp dụng

Dù báo lỗ liên tục nhưng đến nay, các "đại gia" thức ăn nhanh nước ngoài vẫn bám trụ thị trường Việt Nam và cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần. Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, khẳng định hầu hết các doanh nghiệp (DN) báo lỗ đều là DN lớn của nước ngoài, đầu tư hệ thống rất lớn ở Việt Nam. Chi phí đầu tư rất lớn gây thua lỗ nặng ở giai đoạn đầu. "Chúng tôi sẽ rà soát thật cụ thể các trường hợp nghi vấn" - ông Minh nói.

Lỗ chỉ là bài toán phụ

Theo các chuyên gia bán lẻ, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam quá hấp dẫn, trong khi kinh doanh chuỗi còn khá mới, chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Ông Hoàng Tùng, chuyên gia marketing và thương hiệu, nhà sáng lập chuỗi Pizza Home, cho rằng bản chất của ngành thức ăn nhanh hay phát triển chuỗi ngoài có lãi trên từng cửa hàng thì việc tăng trưởng mở rộng quy mô rất quan trọng. Khi quy mô đủ lớn, các cửa hàng chính là một chuỗi bán lẻ và giới thiệu sản phẩm rất lợi hại. Đó là lý do nhiều thương hiệu sẵn sàng bỏ qua lợi nhuận ngắn hạn mà tập trung vào việc tăng trưởng quy mô để có số cửa hàng đủ lớn tạo thành chuỗi.

Thức ăn nhanh lỗ bất thường: Khó xác định chuyển giá - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định hoạt động chuyển giá, lẩn tránh thuế hiện nay rất phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, khó phòng chống Ảnh: Tấn Thạnh

Trở lại với các chuỗi thức ăn ngoại chưa có lãi, ông Tùng dự đoán ngoài việc kinh doanh đơn thuần, họ có thể có những bài toán khác khiến việc chịu lỗ chỉ là 1 bài toán phụ.

TS Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia marketing và thương hiệu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, nhìn nhận việc các DN tên tuổi lớn trong ngành thức ăn nhanh báo cáo lỗ là hết sức bình thường. Không giống như các ngành sản xuất, ngành kinh doanh thức ăn nhanh chịu nhiều chi phí, đặc biệt là giá mặt bằng quá cao. "Trong lĩnh vực này, lãi hay lỗ tùy vào kỹ thuật hạch toán. Các DN nước ngoài lỗ do hạch toán tất cả các khoản thu lẫn chi phí đầu vào - đầu ra để báo cáo về công ty mẹ và lỗ trên báo cáo tài chính là lỗ thật. Phần lợi nhuận (nếu có) là nhờ chuyển giá" - TS Hoàng phân tích.

Theo TS Đoàn Đình Hoàng, thất thu ngân sách do chuyển giá là thực trạng chung tại nhiều quốc gia đang phát triển. Cơ quan thuế có thể nghi ngờ hoặc biết rõ DN có hành vi chuyển giá nhưng không có đủ cơ sở để kết luận hoặc xử lý.

"Ví dụ, một DN kinh doanh chuỗi gà rán tại Việt Nam nhập bột chiên giòn từ công ty mẹ ở Hàn Quốc với giá cao gấp nhiều lần so với giá thị trường và giá bán cho các cửa hàng cùng hệ thống này tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trừ khi Việt Nam có liên minh kiểm soát thuế với Hàn Quốc, được cung cấp giấy tờ sổ sách của công ty mẹ ở Hàn Quốc để so sánh giá mới có cơ sở kết luận và xử lý hành vi chuyển giá, nếu không chỉ có thể nghi ngờ, mời DN đến làm việc và động viên họ thực hiện đúng nghĩa vụ thuế mà thôi" - ông Hoàng nêu.

Mua mắc, bán rẻ

Ông Lê Duy Minh cho hay với cơ chế tự khai, tự nộp thuế như hiện nay, DN có quyền kê khai các chi phí của họ để hạch toán lỗ lãi và chịu trách nhiệm về việc đó. Nếu cơ quan thuế thấy có dấu hiệu rủi ro thì họ sẽ đưa danh sách các DN vào kế hoạch thanh tra - kiểm tra hằng năm. "Mỗi năm ngành thuế đều có kế hoạch chống thất thu thuế đối với lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Các chi cục thuế trực thuộc vẫn đang thực hiện đều đặn để phát hiện dấu hiệu kê khai sai nếu có" - ông Minh thông tin.

Theo ông Châu Huy Quang, luật sư điều hành R&T LCT, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nạn chuyển giá đã xảy ra nhiều năm, phổ biến ở DN đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia, nơi mà công ty mẹ chủ động điều phối phân bổ lãi - lỗ trong hệ thống các công ty con ở nước khác thông qua công cụ chuyển giá.

Cụ thể, các hành vi tăng chi phí, giá thành nguyên vật liệu nhập khẩu sản xuất, chi phí nhân công, các khoản chi cho hoạt động quảng cáo thương mại, mua bán hàng hóa với công ty liên kết dưới hoặc cao hơn giá thị trường vẫn là các phương thức chuyển giá phổ biến. Ngoài ra, việc nâng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm, hạ giá đầu ra xuống thấp, trung chuyển nguyên liệu hàng hóa qua một nước trung gian (những nước có thuế suất thấp hay nước có cam kết hiệp định thuế quan), sau đó đưa hàng hóa tới các quốc gia khác cũng là hình thức chuyển giá.

"Các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng, sau thời gian ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN đang phải đối mặt với tình trạng DN báo lỗ hoặc không có lãi liên tục nhiều năm, trong khi vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, tăng chi phí đầu tư, gây quan ngại về hoạt động chuyển giá, lẩn tránh nghĩa vụ thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu tại quốc gia sở tại" - ông Quang nói.

Ngăn chuyển giá chưa hiệu quả

Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh góp ý cần có quy định chặt chẽ hơn trong quản lý các chuỗi của nước ngoài nhằm hạn chế thất thoát thuế. Theo ông, cần quy định cụ thể chi phí "vô hình", chẳng hạn chi phí bản quyền thương hiệu trả cho công ty mẹ phải nằm trong giới hạn nào, tránh khai khống vào chi phí chung. Ngoài ra, với DN báo lỗ thường xuyên, phải áp dụng ngay biện pháp thanh - kiểm tra trong giới hạn cho phép của pháp luật để phát hiện sớm những biểu hiện kê khai sai.

Pháp luật hiện đã có quy định về cấm chuyển giá cũng như giám sát các giao dịch liên kết. Tuy nhiên, luật sư Châu Huy Quang chỉ ra rằng các quy định hiện nằm rải rác, chưa có một đạo luật điều chỉnh thống nhất. Các quy định cũng mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc xác định giá giao dịch liên kết khá chung chung, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Mặt khác, cơ chế giám sát, thực thi bảo đảm chống chuyển giá chưa hiệu quả.

"Việc chuyển giá xảy ra chủ yếu ở khối FDI do họ có thể tận dụng lợi thế về sự hiện diện liên kết ở nhiều quốc gia khác nhau, khi có sự chênh lệch mức thuế suất giữa các quốc gia này. Các công ty đa quốc gia cũng có kinh nghiệm trong việc tận dụng những hiệp định thuế quan liên quan. Theo đó, mặc dù có thể không thường trú, kinh doanh thực tế ở hai quốc gia có hiệp định ưu đãi thuế quan nhưng họ vẫn có thể tận dụng các lợi ích từ các hiệp định này thông qua việc thành lập pháp nhân dưới dạng công ty bình phong ở các quốc gia này dùng để đi đầu tư" - luật sư Quang phân tích. 

Nên nhìn vào mặt tích cực

Chuyên gia marketing và thương hiệu Đoàn Đình Hoàng cho biết Việt Nam đang nhận đầu tư nhiều hơn là mang tiền đi đầu tư ra nước ngoài. Nếu DN và nền kinh tế Việt Nam mạnh, cân bằng được giữa nhập khẩu và xuất khẩu đầu tư thì có thể "bằng vai phải lứa" với các nước, hai chính quyền có thể bắt tay nhau để kiểm soát hoạt động chuyển giá. "Khi chúng ta chưa đủ mạnh để kiểm soát hoặc ngăn chặn chuyển giá thì nên nhìn câu chuyện đầu tư của các DN nước ngoài tại Việt Nam theo khía cạnh tích cực là họ đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp đa dạng thị trường, dẫn dắt nhu cầu thị trường và tạo sân chơi cho DN trong nước" - ông Hoàng nói.

Xem xét áp dụng thỏa thuận xác định giá trước

Theo luật sư Châu Huy Quang, nâng cao nghiệp vụ điều tra hoạt động chống chuyển giá của đội ngũ cơ quan thực thi (thuế, hải quan, cơ quan tư pháp…) là điều tiên quyết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Song song đó, bổ sung nhân lực, nâng cao trình độ của cán bộ thuế, tăng cường áp dụng biện pháp công nghệ, kỹ thuật, giao quyền điều tra ở mức độ phù hợp cho cơ quan thuế.

Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý, tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; xem xét áp dụng bắt buộc phương pháp APA (Advance Pricing Agreement - Thỏa thuận xác định giá trước) thay vì phương pháp tự nguyện và kiểm tra giá giao dịch thực tế có tính thủ công như hiện nay của cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan. Phương pháp này đang áp dụng rộng rãi và khá hiệu quả tại châu Âu cũng như nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo