TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng rất khó giảm thêm lãi suất điều hành thời điểm này vì mặt bằng lãi suất hiện tại đã thấp và nếu giảm nữa sẽ gây áp lực lên tỉ giá. Do đó, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa trong đó tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập DN. Riêng thuế GTGT có thể áp dụng mức 8%/năm như hiện tại và kéo dài tới hết năm 2025.
Chế biến thực phẩm xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Ánh
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định để tiếp tục hỗ trợ DN và đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách. Đặc biệt, giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để tạo dư địa tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỉ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động...
"Tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản, xăng dầu… nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, DN và người dân. Chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhất là các DN nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công... nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này đã bị chậm trễ thời gian qua do phải ưu tiên giải quyết những việc cấp bách, nay cần quan tâm hơn và kiên trì, nhất quán thực hiện" - TS Cấn Văn Lực nói.
Một giải pháp mới đây nhất là Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (gọi chung là Quỹ), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa công bố mức lãi suất ưu đãi cho vay trực tiếp chỉ từ 1,2%/năm cho kỳ hạn ngắn và tối đa là 4,4%/năm cho trung và dài hạn. Theo đó từ ngày 4-10, các DN có thể vay từ Quỹ này với mức lãi suất ngắn hạn chỉ 1,2%/năm. Nếu vay trung hạn và dài hạn, mức lãi sẽ là 4,4%/năm.
Đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh của DN nhỏ và vừa đã được ký hợp đồng cho vay gián tiếp trước khi quyết định có hiệu lực, thì tiếp tục áp dụng mức lãi suất cho vay theo hợp đồng đã ký kết. Đại diện Quỹ cho biết mức lãi suất ưu đãi trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15-7-2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Theo tìm hiểu, Quỹ hiện cho vay gián tiếp qua các ngân hàng (NH). Do đó, để tiếp cận nguồn vốn có lãi suất ưu đãi này, DN có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ đến NH mà Quỹ ký kết. NH thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ vay vốn, giải ngân cho DN nhỏ và vừa. Sau đó, NH gửi hồ sơ đề nghị nhận vốn cho vay gián tiếp từ Quỹ để bù đắp phần vốn NH đã cho DN vay, phần vốn còn lại chưa giải ngân thì áp dụng theo phương thức nhận vốn trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đây là chính sách tích cực trong bối cảnh DN đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, trong đó có tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, chuyên gia này băn khoăn về quy trình, thủ tục để DN nhỏ và vừa được thụ hưởng chính sách.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhắc đến gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có kết quả giải ngân thấp do các tiêu chí, điều kiện khiến DN khó đáp ứng hoặc không mặn mà với chính sách hỗ trợ. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, ông đề nghị phải xóa bỏ các "rào cản", tạo thuận lợi tối đa về thủ tục, quy trình để đẩy nhanh việc đưa vốn tới DN phục vụ sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, cần liên tục có đánh giá tính hiệu quả để kịp thời nhận ra điểm nghẽn, vướng mắc để tháo gỡ.
Bình luận (0)