Ở chiều ngược lại, khoảng 130 nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã được tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu của các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từ đó cải tiến và tìm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng cộng, hơn 300 cuộc gặp gỡ 1-1 đã diễn ra giữa các bên.
SFS 2023 do Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức đã kết nối hơn 20 nhà sản xuất lớn tìm kiếm hơn 350 chi tiết linh kiện thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác... sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam
Với chủ đề "Kết nối các cơ hội cho DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", hội nghị đã giúp các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có kế hoạch đầu tư dài hạn về sản xuất công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; cũng như tạo điều kiện thúc đẩy các giá trị đầu tư từ các DN đầu tư nước ngoài qua việc gia tăng liên kết đầu tư với mạng lưới cung cấp trong nước.
Làn sóng chuyển dịch đầu tư sản xuất vào Việt Nam, sự gia tăng quy mô sản xuất tại Việt Nam cùng những hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19, xung đột địa chính trị... khiến bài toán nội địa hóa đối với các nhà sản xuất càng trở nên cấp thiết.
Do đó, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất trở thành ưu tiên hàng đầu. Điều này thể hiện rõ qua con số các DN đăng ký tham gia SFS 2023, ngoài những gương mặt quen thuộc như Samsung, Techtronic Industries, Nedic, Mabuchi Motor, Nextern Việt Nam… còn có một số nhà mua hàng mới lần đầu tham gia.
Bà Lê Thị Mỹ Loan, Trưởng Phòng Kỹ thuật sản phẩm đồ điện gia dụng Sharp Việt Nam, cho biết công ty tìm kiếm nhà cung cấp cho mảng đồ điện gia dụng, chủ yếu nhà cung cấp sản phẩm ép nhựa, làm khuôn. Có kế hoạch kết nối với 20 nhà cung cấp nội địa, Sharp nêu rõ tiêu chí chất lượng, giá thành và thời hạn giao hàng.
"Hiện tỉ lệ nội địa hóa của công ty là 50%, mục tiêu đến cuối năm 2024 tăng lên mức 90%. Chúng tôi nhận thấy các DN Việt Nam đã cải thiện nhiều so với trước đây, đủ khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài" - bà Mỹ Loan nhận xét.
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ (thuộc Sở Công Thương TP HCM), các DN đầu tư nước ngoài rất thiện chí song họ cũng cho biết DN Việt Nam còn thiếu tự tin. Có những DN trước đó không đáp ứng tiêu chí, sau 2-3 lần có sự đổi mới, vào được một số chuỗi.
Tuy vậy, DN lại không tự tin đến những khách hàng cũ để chào hàng. "DN cần chủ động hơn trong việc giới thiệu, chào hàng để tìm cơ hội hợp tác đối với những khách hàng cũ. Bên cạnh đó, cần cho đối tác thấy được hệ thống, sự minh bạch trong sản xuất, sự cam kết trong đơn hàng (trễ hạn, đúng hạn ra sao)... Nếu DN vượt qua những điều kiện này thì đơn hàng sẽ rất tốt" - bà Oanh lưu ý.
Bình luận (0)