Thị trường thực phẩm Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhảy vào khai thác thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).
Thâu tóm để thâm nhập thị trường
Sự kiện Tập đoàn CJ Cheil Jedang (CJ) của Hàn Quốc vừa công bố nắm gần 50% cổ phần Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre trong tuần qua thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp (DN) trong ngành cũng như giới phân tích. Bởi Cầu Tre là thương hiệu lớn trong ngành thủy hải sản xuất khẩu Việt Nam và trước Cầu Tre, CJ cũng nắm giữ hơn 4% cổ phần Công ty Vissan.
Ông Roh Woong Ho, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CJ, cho biết tập đoàn này chi 500 triệu USD để thâm nhập thị trường thực phẩm Việt Nam, khoản đầu tư này không chỉ cho hiện tại mà còn đón đầu tương lai của thị trường tiêu thụ hơn 90 triệu dân.
Ngoài CJ, Tập đoàn Thực phẩm Daesang Corp, cũng của Hàn Quốc, đã chi 33 triệu USD mua 13 triệu cổ phiếu Công ty Thực phẩm Đức Việt, DN sản xuất sản phẩm xúc xích lớn trong nước. Một số tập đoàn thực phẩm của Nhật, Thái Lan cũng liên tục rót vốn vào Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua lại cổ phần các DN uy tín. Các thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm chế biến như Cholimex Food, Sài Gòn Food… đều đang có sự tham gia của khối ngoại.
Những thương hiệu Việt uy tín sẽ là bàn đạp để DN ngoại chinh phục thị trường, chiếm giữ trái tim người tiêu dùng trong nước để từ đó họ vươn rộng ra. Sức hút M&A ngành thực phẩm chế biến đến từ tốc độ tăng trưởng 10%-15%/năm, dân số đông và bởi ẩm thực Việt Nam nổi tiếng thế giới là ngon, tốt cho sức khỏe. Tổ chức Giám sát kinh doanh Quốc tế (BMI) dự báo tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011-2016 tiếp tục tăng 5,1%, tương đương 29,5 tỉ USD. Mức tiêu thụ bình quân theo đầu người tính đến năm 2016 ước đạt khoảng 5,8 triệu đồng/năm.
Có ngăn được đối tác trở thành “cá mập”?
Theo các chuyên gia kinh tế, DN trong nước có thương hiệu tốt nhưng đang mất dần kênh tiêu thụ, không có chiến lược dài hạn, rơi vào bế tắc thì M&A là cách tốt nhất để kêu gọi vốn và quản trị hiện đại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cảnh báo chúng ta đã để mất phần mềm (thị trường, marketing, chiến lược chiếm lĩnh trái tim người tiêu dùng…) nếu để mất luôn phần cứng là kênh sản xuất thì thật đáng lo ngại. DN trong nước sẽ không còn làm chủ nền kinh tế và trở thành người lệ thuộc, tham gia cung ứng, gia công cho các DN ngoại và tụt xuống những mắt xích cuối cùng trong chuỗi giá trị. Giá trị gia tăng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp chảy ra nước ngoài.
Ông Viên không tin các nhà đầu tư ngoại sau khi góp vốn sẽ cho DN Việt cơ hội tiếp tục làm chủ. Vinamit đã từng bán 20% cổ phần cho một quỹ đầu tư nhưng trả lại tiền cho họ một thời gian ngắn sau đó vì phát hiện họ không muốn đồng hành với Vinamit mà chỉ muốn sở hữu công ty.
Trong lĩnh vực thực phẩm, “cuộc chiến” giữa các cổ đông nội địa của Bibica với nhà đầu tư chiến lược Lotte (Hàn Quốc) vẫn đang trong thế giằng co 7-8 năm nay. Lotte lộ rõ ý đồ thôn tính Bibica chỉ một thời gian ngắn sau khi ký hợp tác. Cao điểm năm 2012, Lotte đòi “xóa sổ” thương hiệu Bibica, thay vào đó là Lotte - Bibica nhưng không được các cổ đông chấp thuận.
Đến nay, Lotte muốn Bibica trở thành sân sau để phát triển nhãn hiệu chuyên cho Lotte còn Công ty CP Thực phẩm Pan (Pan Food, cổ đông lớn nắm giữ số cổ phần tương đương Lotte tại Bibica) thì muốn đưa Bibica phát triển mạnh hơn bằng chính các thương hiệu Bibica - thương hiệu mấy chục năm qua của người Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng khi DN bị thâu tóm thì những ông chủ mới hoàn toàn nắm quyền điều hành công ty. Việc các ông chủ này chỉ định mua nguyên liệu của họ ở nước ngoài thay vì sử dụng nguyên liệu trong nước, nhập hàng hóa về bán hay chuyển giá… hoàn toàn có thể xảy ra. Điều đáng lo ngại nhất là nếu lĩnh vực sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng bị thống trị sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế; cụ thể là ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi… trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, Tổng Giám đốc Công ty CP Pan:
Đừng để nhà đầu tư giành quyền chi phối
Về mặt vĩ mô, đầu tư nước ngoài hoàn toàn tốt. Nhà đầu tư trước khi rót vốn luôn yêu cầu DN 2 vấn đề chính là tính minh bạch và cải tiến quản trị kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư, các DN thường thay đổi rất nhiều, theo hướng tốt hơn lên.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, Bibica duy trì mức tăng trưởng bình quân ít nhất 10% và đang sở hữu nhiều yếu tố hơn hẳn các DN cùng ngành, gồm thương hiệu nổi tiếng, nền tảng tài chính lành mạnh, không vay nợ và khả năng sinh lời, khả năng thanh toán hiệu quả. Hoạt động của công ty nay đã tốt lên, công tác điều hành cũng tốt hơn, mọi thảo luận đều trên cơ sở lợi ích chung của công ty.
Thông qua hợp tác chiến lược với Lotte, Bibica đã cải tiến sản xuất, nhập dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư lớn cho chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm nên sản phẩm Bibica không chỉ tiêu thụ tốt ở trị thường nội địa mà còn xuất khẩu được sang những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… Từ kinh nghiệm của DN mình, chúng tôi cho rằng DN cần kêu gọi vốn để lớn lên. Điều quan trọng là trong quá trình hợp tác, DN phải giữ được quyền chi phối để giữ gìn và phát triển thương hiệu.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan):
Không nên quá lo sợ
Không ít DN vừa và nhỏ Thái Lan đã bị xóa sổ trước sự bành trướng của các nhà đầu tư ngoại trong cùng lĩnh vực, tình hình tại Việt Nam cũng sẽ diễn ra tương tự như vậy. Đó là xu hướng tất yếu, chúng ta buộc phải chấp nhận. DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo đúng luật đầu tư, tạo thêm sản phẩm mới cho xã hội. Tôi không lo DN Việt bị thâu tóm mà quan tâm DN làm được gì cho đất nước, cho xã hội và người tiêu dùng. Sự tham gia của các DN nước ngoài vào thị trường là liều thuốc kích thích cho DN Việt tăng tốc cạnh tranh nhưng nếu DN Việt không thích ứng được thì phải chấp nhận chịu chết.
Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn nhưng các DN Việt Nam không nên quá lo sợ. Thay vào đó, hãy thay đổi tư duy kinh doanh, ngồi lại kết hợp, phát huy nguồn lực của nhau để cùng mạnh lên. DN đối diện thách thức lớn là cạnh tranh với chính mình. Bản thân Vissan khi ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược đã yêu cầu họ cam kết giữ gìn thương hiệu Vissan. Song song đó, chúng tôi luôn nỗ lực củng cố vị thế của mình để tăng sức cạnh tranh.
Chuyên gia tư vấn cao cấp Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Corporation:
Dài hạn thì... coi chừng!
Nếu HĐQT và đội ngũ công ty đã bế tắc đường phát triển, không còn ý chí và nguồn lực để tiếp tục thì việc bán đi, nhà đầu tư tiếp nhận có thiện chí và có năng lực để vực dậy vượt khó và phát triển tốt đẹp là điều nên mừng. Còn nếu chỉ vì khó khăn nhất thời do chiến lược chưa phù hợp có thể thay đổi, quản trị chưa tốt (có thể cải thiện), vẫn còn nguồn lực cơ hội và thời gian để điều chỉnh mà không nhận biết được lại vội vàng bán đi thì đáng buồn.
Bản chất của phá sản DN hay mua đi bán lại DN là để giúp người khó còn cơ hội làm lại và người có khả năng đầu tư tiếp nhận thử thách, người có năng lực thể hiện và tái cấu trúc DN duy trì việc làm, phát triển DN với phương pháp mới, nguồn lực mới... Hẳn nhiên, dù DN nội hay ngoại mua lại thì điều này trong ngắn hạn là như nhau nhưng trong dài hạn cần chú ý ảnh hưởng của các tập đoàn nước ngoài. Nếu để cho các DN nước ngoài làm chủ nền sản xuất trong nước, về ngắn hạn là tích cực nhưng cần hết sức chú ý trung hạn và dài hạn. Chính phủ và hệ thống quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội, các DN cần phải biết cách chơi và kiểm soát luật chơi.
Đ.Nghi ghi
Bình luận (0)