Năm 2015, cơ quan quản lý giá mặt hàng xăng dầu được đánh giá “mát tay” khi đã điều hành theo diễn biến giá dầu thế giới. Theo đó, riêng mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá và 6 lần tăng giá, góp phần kéo chỉ số giá giao thông giảm 11,92%.
Chiếm đến 51% giá bán lẻ
Nếu so sánh với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước vẫn giảm chưa tương ứng. Theo tính toán, giá dầu thô đã giảm tới hơn 40% trong năm 2015 nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu giảm 30%.
Giải thích cho sự lệch pha này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng giá dầu thô và giá bán lẻ là 2 khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất về tỉ lệ giảm. Dầu thô là nguyên liệu đầu vào của xăng dầu. Chi phí dầu thô trong giá xăng khoảng 40%, trong giá dầu là 50%; phần còn lại là các chi phí sản xuất, lưu thông, dự trữ và các loại thuế, phí. “Do đó, không thể tính chênh lệch giá dầu thô giảm 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng phải giảm tương ứng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích.
Theo bảng giá cơ sở chi tiết ngày 4-1 do một đầu mối kinh doanh xăng dầu công bố, với giá xăng RON 92 bán lẻ 16.030 đồng/lít thì thuế nhập khẩu mỗi lít là 1.503 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 902 đồng, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.457 đồng. Chỉ tính các loại thuế trên, mỗi lít xăng RON 92 phải “gánh” 6.864 đồng, chiếm 42,8% giá bán lẻ. Ngoài ra, còn các loại phí được quy định cố định trong giá cơ sở mặt hàng này như: chi phí định mức 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Như thế, tổng các loại thuế và phí trên mỗi lít xăng RON 92 là 8.212 đồng/lít, tương ứng với 51% giá bán lẻ mặt hàng thiết yếu này.
Với từng chu kỳ điều hành giá, dựa trên diễn biến của giá nhập khẩu, giá trị tuyệt đối của phần thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% có thể sẽ có dịch chuyển lên xuống ít nhiều. Song, về cơ bản, thuế phí vẫn chiếm trên dưới 50% giá thành xăng dầu bán lẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá xăng dầu trong nước không diễn biến theo đúng nhịp thế giới.
“Không nên lạm dụng thuế, phí để tận thu mà nhà nước cần có chính sách kích thích các nguồn thu khác một cách tích cực. Chẳng hạn, giảm giá xăng thì doanh nghiệp (DN) làm ăn tốt hơn, nộp thuế nhiều hơn. Đó cũng là một giải pháp tích cực và thuyết phục hơn” - một chuyên gia nêu quan điểm.
Miệt mài thu quỹ bình ổn giá
Mức áp dụng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) vào ngày 19-1 là 300 đồng/lít với tất cả các mặt hàng. Mức trích quỹ này đã duy trì khá lâu khiến cho số dư tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến ngày 19-1 lên đến 2.520 tỉ đồng, tăng thêm 140 tỉ đồng chỉ sau 15 ngày.
Đáng nói là, cách đây ít tháng, trao đổi với phóng viên, đại diện Petrolimex cho biết cơ chế thu chi quỹ BOG như sau: DN phải hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản tiền gửi ở một ngân hàng thương mại, trong đó DN là chủ tài khoản. Phần lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG được gửi ở ngân hàng sẽ cộng trực tiếp vào quỹ, giúp tăng nguồn quỹ. Trong trường hợp quỹ âm, phần âm sẽ bị ngân hàng tính lãi và sau này phải hoàn lại ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Như vậy, nếu điều hành xăng dầu làm cho quỹ BOG dương, quỹ được tăng thêm phần lãi suất thì bản thân người tiêu dùng cũng phải mua xăng đắt thêm so với thực tế (hiện nay là 300 đồng/lít). Còn nếu quỹ BOG bị âm thì việc chi sử dụng quỹ sẽ phải gánh thêm phần lãi suất. Xét cho cùng, phần này sẽ bị tính vào giá xăng dầu.
Chưa kể đến, thực tế, khi công bố số dư quỹ BOG, nhà nước và DN chỉ công bố con số cuối cùng mà chưa làm rõ phần thu quỹ, phần xả quỹ, phần lãi phát sinh trên số dư là bao nhiêu. Do đó, dễ dẫn đến nhiều thắc mắc trong người tiêu dùng - những người trực tiếp phải đóng quỹ BOG qua giá xăng dầu.
Ở thời điểm hiện tại, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), giá dầu thô trên thị trường thế giới đã xuống dốc một cách báo động nên nhu cầu xả quỹ để bình ổn giá bán lẻ trong nước là không có. Trong khi đó, quỹ vẫn được trích lập đều đặn 300 đồng/lít bán ra khiến số dư đội lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Như thế, việc trích quỹ nữa là không cần thiết. “Nói chung về lý thuyết, quỹ BOG không phù hợp với điều kiện thị trường diễn biến theo một chiều trong thời gian dài. Khi giá tăng liên tiếp, phải xả quỹ lớn thì sẽ vỡ quỹ. Khi giá giảm liên tiếp thì quỹ phình ra, còn người dân phải mua xăng đắt hơn giá đáng ra họ được hưởng. Như thế là làm mất cơ hội giảm giá xăng” - TS Độ lập luận.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dựa trên diễn biến thực tế như hiện nay, nên dừng trích quỹ 300 đồng/lít để giảm giá thêm cho người tiêu dùng.
Thời cơ để bỏ quỹ BOG
TS Lê Đăng Doanh cho rằng diễn biến giá xăng giảm mạnh là cơ hội để xem xét tạm thời bỏ quỹ BOG trong cơ cấu giá nhằm đưa giá bán lẻ xăng dầu về đúng với thị trường thế giới.
Nhiều tổ chức trên thế giới dự đoán giá dầu thô năm 2016 sẽ vẫn ổn định ở xu hướng thấp, chỉ trên dưới 30 USD/thùng. Với Việt Nam, dự toán ngân sách năm 2016 được Quốc hội thông qua đặt giá dầu ở mức 60 USD/thùng - tuy có phần hơi lạc quan so với diễn biến thực tế những ngày đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với giá 100 USD/thùng vào 2 năm trước. Do đó, giới chuyên gia cho rằng nên yên tâm với một chu kỳ giá dầu ở mức thấp lâu dài và tận dụng nó để kích thích kinh tế phát triển bằng cách bớt dần thuế, quỹ không cần thiết và giảm giá xăng dầu nhiều nhất có thể.
Bình luận (0)