Sáng 14-3, bên lề diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất là thông tin Amazon - thương hiệu số 1 về bán lẻ và thương mại điện tử - sẽ đổ bộ vào Việt Nam cùng việc Alibaba đưa người sang Lazada với tham vọng thôn tính thị trường Đông Nam Á.
Tìm lối đi riêng
Trao đổi với báo chí liên quan đến những động thái trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng mỗi doanh nghiệp (DN), tập đoàn khi tham gia thị trường thương mại điện tử đều có một sân chơi riêng. Riêng với Amazon và Alibaba, những "người khổng lồ" này chiếm phân khúc khác, không phải là phân khúc mà DN thương mại điện tử Việt Nam đang hướng tới.
"Tôi nghĩ với việc Alibaba hay Amazon tiến vào thị trường Việt Nam thì thậm chí DN của ta còn có lợi thế vươn nhanh ra thế giới hơn. Với các sàn giao dịch có tên tuổi như Alibaba, Amazon, việc thu hút DN tham gia xuất khẩu cũng lớn hơn. Tất nhiên, DN thương mại điện tử phải có cách đi phù hợp, không thể tay không đấu với người khổng lồ được" - ông Trần Thanh Hải nhận định và gợi ý DN trong nước nên làm thương mại điện tử với những mặt hàng chuyên biệt.
Thương mại điện tử Việt trước sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH
Thực tế, theo ông Hải, với sự tham gia của các hiệp định thương mại cùng với việc tăng trưởng xuất khẩu cao, thương mại điện tử sẽ có cơ hội phát triển. "Thương mại điện tử đã phát triển 10 năm rồi nhưng bài học 10 năm qua cho thấy nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử chưa thành công. DN xuất nhập khẩu phải lựa chọn hình thức phù hợp để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, giao kết hợp đồng, phải tùy cơ ứng biến vào từng thị trường, mặt hàng" - ông Hải lưu ý.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực miền Bắc Niesel Việt Nam, cũng cho rằng các "ông lớn" vào Việt Nam là tín hiệu tốt cho thị trường, DN và người tiêu dùng. Lợi ích cho thị trường là có thêm nhà cung cấp, có sân chơi rộng, tiếp cận kinh tế toàn cầu, từ đó cạnh tranh lành mạnh hơn. Người tiêu dùng có thêm lựa chọn, thêm những sản phẩm từ nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam nhanh hơn… "Phải đi theo thế giới, không thể đi nhanh nếu không có công nghệ. Chúng ta có cơ sở tốt ở chính sách của Chính phủ, người dân đang theo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là bước tiến tại Việt Nam để theo kịp xu hướng thế giới" - bà Hà lạc quan.
Phải đầu tư công nghệ
Ở góc độ DN thương mại điện tử, ông Kiều Tiến Anh, Giám đốc Công ty CP 5T Quốc Tế, đánh giá Alibaba là tập đoàn vận hành các chợ điện tử khổng lồ nên khi họ đưa công nghệ vào Việt Nam thì sẽ rất nguy hiểm. "Đây là lời cảnh báo chứ không phải cơ hội cho chúng ta. Chúng ta chưa có DN nào có công nghệ tương đương với họ. Để làm được thì tốt nhất là liên kết với nước ngoài và phải nhanh chóng có DN đứng ra làm đại diện của Việt Nam" - ông Tiến Anh nhìn nhận.
Theo vị giám đốc DN này, nếu tính cả sự đổ bộ của cả Alibaba và Amazon thì thị phần 60%-65% thương mại điện tử sẽ thuộc về tay người nước ngoài. Chỉ còn tối đa 40% dành cho DN trong nước nhưng chưa chắc DN nội đã nắm được. "Alibaba đã phát triển trên khắp Trung Quốc rồi. Mua bất cứ thứ gì, từ quán ăn nhỏ nhất đến những thứ đắt tiền khác, người dân đã dùng thanh toán qua điện thoại di động, không cần thẻ ngân hàng nữa. Họ dùng trí tuệ nhân tạo để phân loại hành vi khách hàng. Nếu họ đưa công nghệ vào Việt Nam, chắc chắn ta sẽ thua. Mất cảnh giác là mất thị trường rất nhanh" - ông Kiều Tiến Anh lo lắng.
Tuy nhiên, ông Gijae Seong, Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon, không nêu cụ thể chiến lược mà chỉ đề cập việc hãng này đang tìm kiếm các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu ở Việt Nam.
"Người bán tiếp cận người mua toàn cầu một cách hiệu quả qua Amazon. Các DN có thể ở Việt Nam bán hàng qua Mỹ, châu Âu mà không cần văn phòng, nhà kho tại đó. Bên cạnh bán buôn, Amazon cũng cho phép người bán là cá nhân tham gia thị trường bán lẻ của Amazon gồm 13 thị trường bán lẻ với 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và 172 nước tham gia bán hàng, tính cả Việt Nam. Các trang của Amazon nằm trong tốp trang truy cập nhiều nhất. Hơn 50% mặt hàng được bán trên Amazon bởi bên thứ 3 và người bán quốc tế chiếm hơn 25% tổng doanh thu" - ông Gijae Seong vẽ ra triển vọng.
Bình luận (0)