Sáng 3-12, Vingroup của tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng bất ngờ phát thông cáo vừa ký thỏa thuận nguyên tắc về việc sáp nhập Vinmart, Vinmart+ vào Tập đoàn Masan (Masan Group) của tỉ phú USD Nguyễn Đăng Quang. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.
Không phải mua bán - sáp nhập
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce (mảng bán lẻ) và Công ty VinEco (mảng nông nghiệp) cùng thuộc Vingroup sẽ sáp nhập vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holdings của Masan Group để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập; Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động, Vingroup chỉ là cổ đông. Cụ thể, Masan Group sẽ tiếp quản quyền quản lý của Vingroup tại hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + ở 50 tỉnh, thành trên cả nước.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị Vinmart ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo thông tin công bố, sau khi tiếp quản, Masan Group vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cùng các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách dành riêng cho chủ thẻ VinID. Cán bộ nhân viên của VinMart và VinMart+ cũng được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan Group.
Phía Vingroup khẳng định đây không phải thương vụ mua bán sáp nhập mà là hợp lực, hoán đổi cổ phần với Masan Group. "VinCommerce sẽ như "hổ mọc thêm cánh" khi hợp lực cùng Masan để phát triển thành một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ tầm cỡ hơn nữa, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực. Vingroup tập trung làm ôtô - điện thoại…" - đại diện tập đoàn này lý giải. Ngoài ra, thương vụ này cũng giúp Vingroup có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp, khẳng định quyết tâm trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer Holdings, cho biết sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của công ty mà còn giúp Masan Consumer Holdings nhanh chóng đạt mục tiêu trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới. Không những vậy, việc cộng hưởng sức mạnh của doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu với DN bán lẻ quy mô lớn nhất thị trường sẽ góp phần bảo đảm sân chơi bán lẻ công bằng cho các DN sản xuất Việt.
Chiến lược của 2 đại gia
Các chuyên gia bán lẻ đánh giá cú bắt tay của 2 tỉ phú ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam trước hết xuất phát từ nhu cầu của 2 DN và việc Vingroup cấu trúc lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, tập trung lĩnh vực cốt lõi và điều chỉnh chiến lược với những mảng khác bằng cách bán đi hoặc hợp lực cùng DN khác là hết sức bình thường. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định trong thương vụ này, Vingroup cần đối tác mạnh, có tiềm lực và đã chọn Masan Group; ngược lại Masan có nhu cầu đầu tư vào mảng bán lẻ để hoàn thiện chuỗi sản xuất - phân phối khép kín. "Việc hợp lực này sẽ tạo ra một bước ngoặt, hình thành liên minh giữa DN sản xuất hàng tiêu dùng lớn, đa ngành với DN bán lẻ sở hữu nhiều điểm bán nhất thị trường, mang đến cơ hội phát triển nhanh, mạnh hơn cho cả 2 bên. Chuỗi Vinmart, Vinmart+ sẽ lớn mạnh hơn. Masan cũng đang đầu tư vào trang trại chăn nuôi heo, kinh doanh thịt heo, sản xuất gia vị, nước chấm, bia, nước khoáng… giờ bổ sung mảng sản xuất nông nghiệp của VinEco sẽ khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ" - ông Hòa đánh giá và cũng không quên nói thêm nếu 2 bên hợp tác tốt, hiệu quả thu về không chỉ là phép cộng đơn thuần mà sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Và ở phương diện khác, liên minh này đặt các DN bán lẻ vào sức ép cạnh tranh lớn hơn, buộc các DN bán lẻ khác cũng phải tính đến phương án hợp lực.
Cũng thừa nhận đây là chiến lược rất khôn ngoan của 2 "ông lớn", một chuyên gia bán lẻ cho rằng thị trường cần có thêm những cái bắt tay tương tự, đặc biệt là giữa các trong nước bán lẻ trong nước với nhau, để tăng sức mạnh và tạo nên những chuỗi khép kín. Việc các DN lớn hợp lực chia lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hóa, thay vì đua nhau phát triển chồng chéo và cạnh tranh xuống đáy, là tín hiệu tích cực cho thị trường bán lẻ. "Có khả năng một số hệ thống phân phối khác sẽ không mặn mà với những mặt hàng của Masan. Đây là phản ứng tự nhiên của các nhà phân phối nhưng chỉ mang tính tạm thời, bởi nhà bán lẻ nào cũng phải đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bán cái người tiêu dùng muốn mua" - chuyên gia này nói thêm.
Cũng dự đoán cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sẽ khốc liệt, gay cấn hơn vì sự xuất hiện của liên minh Vingroup - Masan nhưng giám đốc marketing một DN bán lẻ lớn tại TP HCM cho rằng so với kịch bản của những tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Walmart, Carrefour… thì sự kết hợp giữa Vingroup và Masan gây áp lực ít hơn. Nguyên nhân là do cả Vingroup và Masan đều là những "tay chơi" mới trong ngành bán lẻ, dù Masan đang có lợi thế lớn về logistics, mạng lưới phân phối bán hàng ở kênh bán lẻ truyền thống. "Để vận hành chuỗi bán lẻ hiện đại đòi hỏi bộ máy lớn, chi phí cao. Tuy nhiên, với thế mạnh và tiềm lực của Masan Group, chắc chắn thị trường bán lẻ sẽ có nhiều điều bất ngờ" - giám đốc này dự đoán.
Vingroup không chọn nhà đầu tư ngoại
Về nguyên nhân chọn Masan để hợp tác thay vì các nhà đầu tư ngoại, Vingroup lý giải Masan là DN Việt hội đủ kinh nghiệm, tiềm lực và nền tảng hệ thống để có thể tiếp quản tốt nhất hai chuỗi mới sáp nhập. Cuối cùng, sự hợp tác này góp phần cân bằng thị trường bán lẻ trong nước, dẫn dắt DN trong nước cùng phát triển.
Bình luận (0)