Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra việc chọn tạo gây giống tôm. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
“Chi chít” rào cản kỹ thuật
Theo nhìn nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì hoạt động XK thủy sản hiện đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.
Tại thị trường EU, yêu cầu dán nhãn “An toàn cá heo” đang gây khó cho doanh nghiệp nước ta. Hiện nay, đa số các công ty đánh bắt cá ngừ đã được câu tay bằng lưỡi câu vòng, hoàn toàn không gây tổn hại gì tới cá heo. Cá ngừ cũng được đánh bắt ngay trong nước nên vấn đề chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm như yêu cầu là hoàn toàn đáp ứng được.
Nhưng thị trường EU lại yêu cầu một tổ chức là bên thứ 3 chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện dán nhãn “An toàn cá heo”. Trên thế giới hiện nay có 4 tổ chức lớn được quốc tế công nhận có thể đảm nhiệm vai trò này. Để được các tổ chức đó chứng nhận và đăng tải tên doanh nghiệp lên website, doanh nghiệp sẽ phải đóng mức phí từ 5.000-6.000 USD/năm.
Còn tại thị trường Mỹ, yêu cầu dán nhãn “An toàn cá heo” cũng được đưa ra từ ngày 21/5 vừa qua. Cùng với đó, khó khăn cho XK thủy sản cũng xuất phát từ chương trình thanh tra cá da trơn theo Đạo luật Nông Trại 2014.
Tại Australia - thị trường được đánh giá có tiềm năng XK rất lớn cho thủy sản - cũng khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian để đưa được mặt hàng tôm vào. Khó khăn nằm ở công tác kiểm duyệt gắt gao khi Australia chưa công nhận Việt Nam là quốc gia sạch bệnh trên tôm.
Chiếm hơn 50% giá trị XK của toàn ngành hàng thủy sản, thị trường Trung Quốc cũng khiến ngành hàng cá tra gặp không ít bấp bênh. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, một vài năm gần đây, Trung Quốc chủ yếu thu mua hàng nguyên liệu, mang tính chọn lọc, chọn cỡ cá tra nhất định với mức giá cao hơn mặt bằng giá chung.
“Việc chọn cỡ này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không còn đủ cỡ cá tra để làm hàng XK. Bên cạnh đó, điều đáng bàn là khi thu gom các mặt hàng như tôm, cá tra, Trung Quốc sử dụng thế mạnh về tài chính để đẩy mạnh thu mua, song chỉ thu mua trong khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ đột ngột điều chỉnh lượng mua. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bán”, ông Nam phân tích.
Tuy thủy sản là nhóm ngành hàng có lịch sử đi ra thương trường thế giới sớm hơn so với nhiều mặt hàng nông, lâm sản nhưng ngành hàng này vẫn chưa thoát khỏi việc lấy số lượng bù chất lượng khi XK. Muốn tăng tốc trong giá trị, các sản phẩm thủy sản cần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế bằng chính thương hiệu được làm nên từ chất lượng của mình.
Gỡ khó bằng sản xuất chuyên nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị XK thủy sản 7 tháng đầu năm 2016 đạt 3,65 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định, ngành thủy sản đã giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. XK thủy sản cả năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trên 7 tỉ USD.
Phân tích về những nguyên nhân giúp cho xuất khẩu thủy sản giữ được tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu của năm 2016, theo ông Trương Đình Hòe, quan trọng nhất là nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường vẫn có xu hướng tăng lên. Các doanh nghiệp đã giữ được bạn hàng để các đối tác tiếp tục mua thủy sản, đồng thời cũng chấp nhận chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Lãnh đạo VASEP cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng thống kê một cách cụ thể, cập nhật về sản lượng cá tra thực tế hiện nay ở vùng ĐBSCL để doanh nghiệp thu mua nước ngoài nắm được thông tin, điều tiết tiêu thụ, đồng thời cũng góp phần điều tiết hoạt động XK trong nước tốt hơn.
Riêng với tôm - ngành hàng được xác định còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo về nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ nước lợ xuất xứ tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Việt Nam bước đầu đã chọn tạo được giống tôm bố mẹ do Tập đoàn Việt Úc nghiên cứu. Tới đây, chúng ta không chỉ nghiên cứu và tạo ra giống tôm bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng cao mà chúng ta còn chọn tạo tôm bố mẹ kháng bệnh và tăng trưởng nhanh có xuất xứ tại Việt Nam. Hy vọng từ nay cho đến năm 2020, chúng ta có thể chủ động được phần lớn giống tôm bố mẹ do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, đáp ứng được các điều kiện. Những cặp tôm bố mẹ nhập khẩu thì chúng ta đã có những cơ chế kiểm soát kể cả về dịch bệnh cũng như chất lượng tôm, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng của tôm giống Việt Nam”.
Trong lịch sử XK nông sản Việt Nam, khi nhiều ngành hàng còn “chân đất” lần tìm đường XK thì thủy sản đã đi trên đôi “dép lê” vươn tới nhiều thị trường khó tính trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đứng trước bài toán cạnh tranh toàn cầu, đôi “dép lê” của ngành thủy sản không thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Đa số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang hỗ trợ tối đa cho ngành thủy sản. Nỗ lực bằng chính chất lượng và quyết tâm bảo vệ thương hiệu của từng doanh nghiệp mới là “đôi giày vạn dặm” để ngành thủy sản vững bước vươn lên trên con đường hội nhập.
Bình luận (0)