Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản hướng dẫn các NH thương mại triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỉ đồng, cao hơn quy mô dự kiến ban đầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 10.000 tỉ đồng.
Tin vui cho ngành
Đến thời điểm này, đã có 12 NH thương mại gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, MB, Sacombank, LPBank, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB đăng ký tham gia gói tín dụng.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đã chỉ đạo các NH thương mại triển khai chương trình tín dụng này từ nguồn lực của chính NH với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2 điểm % so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Doanh nghiệp thủy sản rất kỳ vọng vào mùa tiêu dùng cuối năm .Ảnh: AN NA
Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), các NH thương mại theo thẩm quyền còn thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của NH.
Theo NHNN, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục là sự đồng hành của ngành NH trong việc hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Agribank cho biết sẽ tham gia chương trình với quy mô tín dụng 3.000 tỉ đồng cùng chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Thời điểm này, các DN đang có tín hiệu tích cực trong khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh khi đơn hàng đã có trở lại, việc vay vốn tín dụng để sản xuất tích trữ hàng sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường phục hồi là cần thiết.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá gói tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản dù còn mới, chưa đủ độ trễ để đi vào thực tế nhưng đã có tác dụng tâm lý tốt cho thị trường.
Bởi lẽ, thời gian qua cả nông dân, ngư dân và DN đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến. Việc các NH thương mại hạ lãi suất vay 1-2 điểm % và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các DN trong ngành "dễ thở" hơn.
Trước đó, VASEP cùng với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã đề xuất gói vay ưu đãi 10.000 tỉ đồng trong bối cảnh thị trường gặp khó, áp lực tồn kho khiến DN thiếu dòng tiền để mua nguyên liệu dự trữ. Điều này không chỉ giúp DN thu mua hết thủy sản nuôi trồng, đánh bắt của bà con giúp họ yên tâm sản xuất mà còn giúp DN chuẩn bị nguồn hàng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.
Xuất khẩu đang hồi phục
Về xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm, Tổng Thư ký VASEP cho hay dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện từ tháng 3 đến nay, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước. "Hiện tại, Việt Nam chỉ mới thống kê về giá trị, chưa có điều kiện thống kê về sản lượng nên chưa thấy được toàn cảnh trong khi đơn giá xuất khẩu có mặt hàng giảm đến 30%. Điều này cho thấy giá trị xuất khẩu Việt Nam giảm sâu nhưng về sản lượng không giảm nhiều đến vậy" - ông Hòe nói.
VASEP dẫn số liệu hải quan cho biết 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 4,2 tỉ USD. Dự báo giá trị xuất khẩu cả năm 2023 đạt hơn 9 tỉ USD nhờ các yếu tố như: tồn kho các nước nhập khẩu giảm, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng.
Theo phân tích của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (chuyên về xuất khẩu tôm), các tháng cuối năm dự báo nguyên liệu tôm trên thế giới sẽ bị thiếu hụt do nông dân giảm nuôi. Tại Việt Nam, Ấn Độ, nông dân "treo ao" là do giá bán thấp; còn tại Ecuador, hiện tượng thời tiết EI Nino đang gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi. Đây là cơ hội để các DN tôm đẩy mạnh hàng tồn kho ra thị trường. Dự kiến kể từ tháng 8 trở đi, giá tôm sẽ tăng, tình hình kinh doanh của Minh Phú sẽ cải thiện.
Còn ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), thông tin hiện khách hàng hỏi mua tôm rất nhiều nhưng hai bên vẫn chưa chốt được giá, đặc biệt ở phân khúc đại trà vì người mua muốn giá rẻ hơn so với mong muốn của DN. "Riêng phân khúc tôm cao cấp phân phối cho nhà hàng, khách sạn thì đỡ hơn do khách hàng quan tâm về chất lượng hơn giá cả" - ông Khoa nói.
Về gói tín dụng 15.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi, ông Khoa đề nghị cần nới lỏng điều kiện cho vay để DN dễ tiếp cận, đưa vốn vào sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, cần tạo điều kiện hỗ trợ cho người nuôi trồng để hạ giá thành nguyên liệu (tôm, cá) như giảm chi phí vật tư đầu vào; cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm khâu trung gian từ ao nuôi đến nhà máy.
"Thực tế, ngành thủy sản Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhất là trình độ chế biến sâu được đánh giá đi trước nhiều nước về xuất khẩu thủy sản. Thời gian qua, đã có những DN thủy sản đầu tư sản phẩm mới dạng ăn sẵn, dạng phối trộn với nhiều loại nông sản khác đưa vào kênh phân phối cao cấp. Do sản phẩm "độc quyền" nên DN bán được giá cao, không bị cạnh tranh như hàng đại trà" - ông Khoa thông tin thêm.
Chú ý nguồn gốc nguyên liệu
Ông Phạm Quang Huy, Tham tán Thương mại nông nghiệp Việt Nam tại Mỹ, khuyến nghị trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa phục hồi hoàn toàn, các DN khi xuất hàng sang Mỹ phải chú ý nguồn gốc nguyên liệu, tránh các cáo buộc liên quan đến né thuế. Đồng thời, DN nên tăng cường sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm ăn liền, phát triển sản phẩm từ nguồn giống bản địa để giảm sự cạnh tranh.
Bình luận (0)