Trong khi cơ quan chức năng khẳng định nguồn xăng dầu được cung ứng đầy đủ thì thực tế tại các địa phương, tình trạng găm hàng vẫn diễn ra trầm trọng.
Ông Huỳnh Văn Tám (xã Bình Thuận, huyện Krông Búk) buồn bực khi đã chạy qua nhiều cây xăng
nhưng vẫn không mua được dầu về tưới cà phê. Ảnh: CAO NGUYÊN
Hà Nội: Đóng cửa, bán cầm chừng
Những ngày qua ngay tại Hà Nội nhiều cây xăng vẫn bán cầm chừng, thậm chí đóng cửa sớm để giảm lượng bán. Chị Hải Anh, nhà ở khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa) cho biết sáng 23-2 khi mua xăng tại cây xăng Nam Đồng (quận Đống Đa) chị rất bất ngờ trước tấm biển ghi “Khuyến khích khách hàng mua 40.000 đồng một lần vào thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút hằng ngày”. Được biết, bảng thông báo này mới chỉ xuất hiện một vài ngày gần đây ở cây xăng này.
Tước giấy phép kinh doanh vô thời hạn
Ông Phan Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết các đại lý cho rằng các công ty cung ứng không đủ xăng dầu bán lẻ chỉ là cái cớ để các đại lý này găm hàng trục lợi.
Những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm, nếu nhẹ thì tước giấy phép kinh doanh từ 6-12 tháng, nếu nặng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh vô thời hạn, đồng thời loại bỏ khỏi quy hoạch phát triển hệ thống xăng dầu trên địa bàn. |
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, tại một số cây xăng thuộc ngoại thành Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng bán xăng theo kiểu cầm chừng, nhỏ giọt, thậm chí treo biển “máy hỏng”, đóng cửa ngừng bán để giảm bớt lượng xăng bán ra. Cây xăng tại ngã ba đê Tiên Tân dù đang buổi sáng nhưng vẫn đóng cửa im ỉm, chỉ có một người bán xăng lẻ đã tận dụng “mặt tiền” của cây xăng để phục vụ những người đi đường với giá... 20.000 đồng/lít xăng.
Bạc Liêu, Long An: Biện minh
Qua kiểm tra, lực lượng QLTT tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm đối với hàng loạt cây xăng đóng cửa không bán hàng trong nhiều ngày.
Chi cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành kiểm tra tại tất cả các đại lý có dấu hiệu trữ hàng, chờ giá nhưng họ đều có lý do biện minh cho việc làm này. Điển hình như tại đại lý xăng dầu Quang Minh, thị trấn Hòa Bình, người nhà cho biết chủ cây xăng đóng cửa để đi chữa bệnh, không ký vào biên bản làm việc. Tại đại lý xăng dầu Vũ Đạt, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, nhiều ngày qua đại lý này chỉ bán 30.000 đồng/lần mua. Khi đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc, đại diện chủ đại lý này cho rằng do Công ty Thương nghiệp Cà Mau không cung ứng đủ xăng dầu.
Tại Long An, ngày 23-2, nhiều người dân đã phản ánh hầu hết cây xăng ở huyện Mộc Hóa như Ngọc Trinh, Khánh Dương, Tuyên Thạnh... có cả cây xăng của Nhà nước từ hai ngày nay không bán dầu, chỉ bán xăng nhưng có giới hạn, mỗi người chỉ mua được từ 50.000-100.000 đồng. Tương tự, khu vực huyện Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An nhiều cửa hàng xăng dầu cũng đã đóng cửa.
Đắk Lắk: Dầu diesel đang ở đâu?
Sáng 23-2, Sở Công Thương Đắk Lắk đã họp với 7 nhà phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Cuối cùng vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm dầu diesel. Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk khẳng định tình trạng khan hiếm dầu diesel đã đến lúc báo động. Tình trạng này là do các nhà phân phối xăng dầu không cung ứng đủ cho các đại lý bán lẻ.
Ngược lại, ông Nguyễn Huynh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên - đơn vị cung cấp 58% lượng xăng dầu cho tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: “Chúng tôi đã cung cấp cho các nhà phân phối, đại lý bán lẻ tăng khoảng 30% lượng xăng dầu so với cùng kỳ năm ngoái”. Đại diện các nhà phân phối như Công ty Xăng dầu Thanh Lễ, Công ty TNHH một thành viên Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC) Vũng Tàu... đều khẳng định cung ứng đủ xăng dầu.
Bình luận (0)