Bên cạnh đó, Chính phủ nêu mục tiêu phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.
Vĩnh Phúc đã chi gần 65 tỉ đồng mua ấm chén làm quà tặng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh hồi năm 2017 - Ảnh: NLĐ
Trong lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ đặt mục tiêu tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư các dự án theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10-10-2019 của Chính phủ. Ngoài ra, cắt 100% việc chi cho tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Đồng thời, quản lý, sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.
Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đăng ký với cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5% trở lên so với kế hoạch. Trong đó, tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.
Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, hầu hết các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, song chủ yếu là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể.
Bình luận (0)