Năm 2019, thu ngân sách trung ương và địa phương đều vượt dự toán; lần đầu tiên toàn bộ các tỉnh, thành trên cả nước đều vượt thu ngân sách. Đây là điểm nổi bật của ngành tài chính được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 10-1.
Thu ngân sách ngày càng bền vững
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thu NSNN năm 2019 đạt hơn 1,5 triệu tỉ đồng, vượt 138.200 tỉ đồng (10%) so với dự toán. Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến và ngày càng bền vững: Tỉ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019.
"Tỉ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011-2015 còn khoảng 3,6% năm 2019 và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011-2015 còn 13,9% năm 2019" - ông Đinh Tiến Dũng thông tin.
Minh chứng cho việc thu NSNN chuyển biến theo hướng bền vững, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết số thu từ đất đai của TP đang giảm dần, thay vào đó là nguồn thu đến từ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Năm 2019, thu ngân sách của TP Hà Nội đạt 271.460 tỉ đồng. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu là 19.261 tỉ đồng, đạt 110% dự toán.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách với tổng thu đạt 410.416 tỉ đồng; cơ cấu thu, chi ngân sách đang chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững hơn.
Trước những tín hiệu đáng mừng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải xác định nguồn thu ngân sách chủ yếu từ sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ... Ngành tài chính phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để tăng nguồn thu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị Ảnh: QUANG HIẾU
Lắng nghe để sửa mình
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ ngành tài chính vẫn còn những tồn tại, hạn chế như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chưa đạt tiến độ. Bên cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật trong thu, chi NSNN có chuyển biến nhưng còn bất cập tại một số cơ quan, đơn vị; còn sai phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công…
Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính ngay từ đầu năm 2020 phải "lắng nghe để sửa mình", phấn đấu có bước phát triển mới, góp phần thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỉ USD. Với 70.000 người công tác trong ngành tài chính, Thủ tướng kỳ vọng sẽ nhận được những tham mưu, đề xuất hiệu quả để Chính phủ có những chỉ đạo, định hướng, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Giảm chi thường xuyên
Đề cập vấn đề đổi mới tư duy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng ngành tài chính không phải chỉ "khư khư giữ tiền" mà phải biết huy động, sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm cho tiền "đẻ" ra tiền. "Các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách, thị trường chứng khoán... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và là động lực tăng trưởng của Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2020, với nhiệm vụ vượt thu ngân sách ít nhất 5% so với dự toán (1.512.300 tỉ đồng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp và thể hiện rõ quyết tâm để đạt mục tiêu này, đồng thời siết chặt kỷ luật ngân sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giảm chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN để có nguồn chi cải cách tiền lương. Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ bội chi, Bộ Tài chính phải kiểm soát chặt chẽ nợ công và tái cơ cấu nợ công, giảm chi phí vay vốn và nghiên cứu biện pháp huy động nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh tỉ lệ nợ công giảm.
Có cơ chế thưởng cho địa phương vượt thu ngân sách
Là địa phương vượt thu ngân sách gần 23.000 tỉ đồng so với dự toán trung ương giao, lãnh đạo TP Hải Phòng đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính có cơ chế thưởng cho địa phương một phần trong số vượt thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối vùng.
Ngoài ra, TP Hải Phòng đề xuất được sử dụng quỹ đất của một số cơ quan nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng - chuyển giao (BT).
Bình luận (0)