Với nguồn vốn khổng lồ trên, dự kiến sẽ thu xếp từ vốn tự có, vốn thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Mỗi năm cần 18.000 tỉ đồng
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết hiện ngành than đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết, ngày càng khai thác xuống sâu dưới lòng đất, vận tải ngày càng xa nên chi phí cho ngành sẽ rất lớn.
“Chúng tôi đã chỉ đạo ngành than phải giảm chi phí, hội nhập sâu với thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi cũng đang xây dựng một cơ chế đặc thù để làm sao bảo đảm đủ điều kiện về khai thác, thăm dò, môi trường và cả giá để ngành than thực hiện quy hoạch này. Thực hiện quy hoạch này thì mới thực hiện được nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của ngành là đáp ứng tối đa nhu cầu than cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho nhiệt điện, bảo đảm an ninh năng lượng” - ông Thọ nói.
Với những nhiệm vụ mà ngành than phải thực hiện, theo Bộ Công Thương, nhu cầu đầu tư vốn cho ngành này rất lớn. Giải pháp là đa dạng hóa hình thức huy động; tập trung thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống vận chuyển, các cảng biển…
Giải thích thêm về nguồn vốn cho ngành than, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin, cho rằng bình quân mỗi năm phải đầu tư 18.000 tỉ đồng để ngành than bảo đảm an ninh năng lượng. Chỉ một trận lũ năm 2015, chưa kịp chuyển than đến nhà máy điện đã có nguy cơ thiếu điện. Kế đến là vấn đề an sinh xã hội bởi hiện có trên 100.000 thợ mỏ, nếu giảm sản lượng khai thác sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Tránh lãng phí vốn đầu tư
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cần chia sẻ với ngành than về câu chuyện vốn đầu tư bởi nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành này là phải xây dựng 48 mỏ than mới. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Chính phủ phải có cách hỗ trợ về vốn như trái phiếu, vốn ODA, vốn song phương… Tuy nhiên, do ngành than còn nhiều yếu kém bởi hậu quả của thời kỳ bao cấp để lại nên cần cân nhắc những giải pháp khắc phục để nâng cao năng suất lao động, tránh lãng phí vốn đầu tư.
Ông Ngãi phân tích: Lao động của ngành than hiện nay rất đông, công nghệ khai thác lạc hậu, chủ yếu là thiết bị, cầu cảng thủ công, bán cơ giới nên năng suất khai thác rất kém. “Muốn cải thiện công nghệ, thiết bị thì cần đầu tư lớn. Bởi vậy, yêu cầu hiện tại là cần gấp rút giảm biên chế trong ngành than để tiết giảm chi phí. Trong đó, có 3 nhóm đối tượng cần sắp xếp lại là công nhân trực tiếp sản xuất, văn phòng hành chính và đối tượng ăn theo hưởng phụ cấp từ ngành than” - chủ tịch VEA chỉ ra.
Ông Đỗ Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp - Vinacomin, cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc tăng năng suất, sản lượng của ngành than để đáp ứng nhu cầu cho nhiệt điện. Trong đó, một trong các giải pháp thực hiện quy hoạch ngành than mới đây nhất đã nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư khoa học công nghệ.
“Quy hoạch sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than (đặc biệt là công nghệ khai thác than dưới mức - 300 m bể than Quảng Ninh và bể than Sông Hồng). Đồng thời nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và kinh doanh than” - ông Nguyên cho biết.
Hạn chế về công nghệ
Ông Trần Viết Ngãi cho rằng chuyện Chính phủ giao xây dựng 48 mỏ than mới là từ năm 2011 chứ không phải bây giờ nhưng không làm được là do hạn chế về khoa học công nghệ để đáp ứng khâu khảo sát, thăm dò địa chất… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 50 triệu tấn/năm, tức là hiện còn thiếu 10 triệu tấn nữa, thì cần hết sức tăng cường khâu khảo sát thăm dò địa chất.
Bình luận (0)