Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được xem xét thông qua trong kỳ họp này. Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản thống nhất của các bên qua kênh ngoại giao.
Tham gia chuỗi cung ứng mới
Những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới. Đây đều là những ngành xuất khẩu chủ lực, có ý nghĩa lớn trong tăng trưởng kinh tế nói chung.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), dẫn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới cho thấy trong 5 năm đầu thực hiện, hiệp định có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thêm khoảng 2,18%-3,25%, tức khoảng 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. "Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Quốc hội phê chuẩn trước đây" - ông Thái nhận xét.
Thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế khi EVFTA có hiệu lực. Trong ảnh: Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Thủy sản Vietfish tổ chức tại TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH
Không chỉ đem lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu, kỳ vọng lớn từ hiệp định này nằm ở chỗ để thực thi một cách hiệu quả, Chính phủ sẽ tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, đi liền với cải cách thể chế, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Trong đó, tạo chuỗi cung ứng mới một cách bền vững, hiệu quả là vấn đề được quan tâm đặc biệt.
Theo ông Lương Hoàng Thái, các nước đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh ứng phó với những thay đổi của đại dịch Covid-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn. Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam được đánh giá là ở vị trí rất tốt để tiếp nhận chuỗi cung ứng mới bền vững.
"Diễn biến của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại" - ông Thái phân tích.
Đẩy nhanh việc thực thi
Để tận dụng thời cơ từ EVFTA nhằm khôi phục kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Lương Hoàng Thái cho biết Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn EVFTA để có hiệu lực ngay khi hiệp định được thực thi. Bên cạnh đó, chỉ đạo các thương vụ, chi nhánh thương vụ ở EU tập trung nguồn lực để phát triển thị trường, tìm kiếm các khách hàng xuất khẩu, nhập khẩu mới trong bối cảnh EVFTA được thực thi.
Nhận định EU là thị trường truyền thống của Việt Nam và rất thân thiện nhưng bị hạn chế về mặt thuế suất, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP HCM, nhìn nhận khi EVFTA có hiệu lực trong tương lai gần, cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam là khá lớn. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đang làm ăn với EU cũng chuẩn bị để tận dụng cơ hội, gia tăng thị phần xuất khẩu. "DN Việt có 2 lợi thế là thường xuất vào EU những sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Các DN có sản phẩm nội địa phù hợp với EU nhưng trước nay chưa làm ăn với thị trường này sẽ có cơ hội thêm thị trường mới và gia tăng kim ngạch xuất khẩu" - ông Việt Anh nhận định.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), thị trường EU chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của công ty nên DN rất quan tâm đến EVFTA. Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu các sản phẩm tôm sang EU, ông Lĩnh cho rằng khi nhà nhập khẩu được giảm thuế, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh. Để được miễn giảm thuế, sản phẩm phải có xuất xứ Việt Nam từ nguyên liệu. Từ đó, buộc các DN phải tổ chức vùng nguyên liệu được quản lý tốt từ con giống, thức ăn theo yêu cầu của EU thay vì nhập khẩu và truy xuất được nguồn gốc từ ao nuôi đến bàn ăn.
"Điều quan trọng hơn mà cộng đồng DN kỳ vọng vào EVFTA cũng như các FTA thế hệ mới là động lực bên ngoài giúp Việt Nam thoát khỏi sự trì trệ của bộ máy hành chính. Ví dụ như trong vấn đề EU cảnh báo "thẻ vàng" hải sản Việt Nam, hệ thống quản lý của Việt Nam phải thay đổi để tương thích với họ nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo... Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những sự thay đổi về hành lang pháp lý, phương pháp quản lý, giúp cho DN phát triển" - ông Lĩnh nhận xét.
Ngoài ra, các DN hải sản, đặc biệt là mặt hàng cá ngừ, surimi (một dạng cá viên) rất quan tâm đến hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp và 500 tấn surimi mà EU dành cho Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc phân bổ hạn ngạch để DN tận dụng sớm thời cơ. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết rất trông chờ thông tin này sớm được công bố để DN chủ động thực thi.
Ở mảng xuất khẩu rau quả, ông Phùng Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Toàn cầu trái cây tươi (Bến Tre), đánh giá trái cây Việt Nam có chất lượng cao nếu so sánh với Thái Lan. Tuy nhiên, DN Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh về giá do cước vận chuyển từ Việt Nam quá cao so với đối thủ. Vì vậy, trái cây Việt Nam chỉ xuất khẩu được ở những thời điểm các nước không có hàng nhờ trồng rải vụ. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt, cần có giải pháp hạ cước vận chuyển để giúp các DN xuất khẩu.
Cùng giảm thuế suất
EU cam kết xóa bỏ 85,6% dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong 7 năm tiếp theo, EU tiếp tục xóa bỏ 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ðối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Mức độ Việt Nam xóa bỏ thuế cho đối tác EU là 48,5% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tăng dần lên 91,8% trong 7 năm tiếp theo và 98,3% sau 10 năm.
Bình luận (0)