Vừa tung sản phẩm mới là trứng gà xông khói ra thị trường vài ngày nay và đang chuẩn bị thủ tục để đưa sản phẩm này vào các hệ thống siêu thị, Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt đặt quyết tâm tăng tỉ lệ sản phẩm chế biến thương hiệu Vfood chiếm khoảng 30% tổng sản lượng công ty vào cuối năm 2021, từ mức dưới 20% như hiện nay.
"Đại dịch Covid-19 khiến tiêu thụ mặt hàng trứng tươi giảm mạnh, gần như "tê liệt" ở kênh phân phối cho bếp ăn, trường học, các doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất bánh trong khi trứng chế biến không ảnh hưởng nhiều, có mặt hàng còn tăng doanh thu vì bảo quản được lâu, người tiêu dùng mua để dự trữ. Đến nay, tiêu thụ trứng tươi đã phục hồi được khoảng 70%-80% so với thời gian xảy ra dịch Covid-19. Qua biến cố dịch bệnh, chúng tôi nhận thấy rủi ro quá lớn khi phụ thuộc vào mặt hàng trứng tươi" - ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ.
Để đạt mục tiêu nói trên, Vĩnh Thành Đạt đã chi khoảng 10 tỉ đồng để nhập nhiều máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói trứng và cải tạo nhà xưởng hướng tới đầu tư nhiều hơn cho mảng chế biến. Trong đó, máy làm trứng gà xông khói được nhập từ Hàn Quốc, công ty nhận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc và sản xuất trên nguyên liệu trứng tươi có sẵn. "Trứng gà xông khói thực chất là quá trình làm chín trứng qua gia nhiệt. Mất 3-4 ngày để ra lò một mẻ trứng xông khói. Trứng thành phẩm có mùi thơm hơn so với trứng gà luộc và bảo quản được 30 ngày ở nhiệt độ bình thường" - ông Thiện cho biết.
Theo ông Thiện, 3 tháng "sống chung với dịch" là thời gian để Vĩnh Thành Đạt nghiên cứu một số sản phẩm mới. Ngoài trứng gà xông khói, trứng gà tươi lòng đào (lòng đỏ trứng đậm màu hơn, nhiều dinh dưỡng hơn trứng bình thường) cũng sẽ có mặt trên quầy kệ siêu thị trong tuần tới. Đây là những món ăn vặt rất phổ biến của giới trẻ hiện nay. Ngoài ra, công ty này cũng tìm thêm đầu ra cho sản phẩm thông qua hợp tác cung ứng nguyên liệu (trứng chế biến) cho đối tác là DN sản xuất thực phẩm. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới phân phối ra thị trường phía Bắc thông qua nhà phân phối tại Hà Nội.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Lĩnh vực dệt may vốn chịu nhiều tổn thất trong dịch Covid-19. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtek), cho hay hầu hết DN trong ngành tại TP HCM đang "ổn" trong tình trạng khó khăn chung. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng dịch Covid-19 cũng cảnh tỉnh DN về cơ cấu sản xuất và thị trường. Một số DN may mặc xuất khẩu đã và đang dần quay về phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu ở thị trường nội địa. Việc này đã được Chính phủ đề cập như một trong những giải pháp quan trọng giúp DN phục hồi sản xuất - kinh doanh hậu Covid-19.
"Công bằng mà nói, thị trường nội địa không phải là lối thoát cho DN dệt may nhưng là thị trường bổ trợ. Trong lúc hàng nhập khẩu bao gồm cả hàng may mặc vẫn chưa trở lại nhịp điệu bình thường, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân ít nhiều thay đổi sau dịch đang mở ra cơ hội cho DN quay về chinh phục người tiêu dùng trong nước. Vấn đề là DN nào nhìn ra cơ hội và có bước đi phù hợp để phục hồi, phát triển" - ông Hồng nhìn nhận.
TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhất trí trong bối cảnh xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, DN nên chinh phục lại thị trường trong nước để đi bằng hai chân, vừa xuất khẩu vừa tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa. Việc nghiên cứu lại nhu cầu và tận dụng chi phí vận chuyển đang rẻ là cơ hội để DN phát triển thị trường nội địa. "Khi xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung" - TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Trong lúc chờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước lan tỏa nhiều hơn tới DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận các DN cần phải tăng nội lực. Tuy nhiên, một mình DN thì rất khó nhưng hiệp hội lại có thể, như dùng một khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường tương lai sẽ như thế nào. Cụ thể là nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng sẽ thay đổi ra sao để biết xu hướng tiêu dùng trong tương lai; nghiên cứu thị trường lớn, thị trường ngách, cách thức kinh doanh… Bởi thị trường rất khó để hồi phục như cũ và để thích nghi cần nghiên cứu bài bản.
Tăng cường tiếp cận qua kênh thương mại điện tử
Theo Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công Thương, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến thói quen tiêu dùng đang có sự thay đổi đáng kể. Người dân sử dụng các ứng dụng mua hàng trực tuyến thay thế cho mua hàng truyền thống ngày càng nhiều. Đây là một trong những cách thức để DN tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả khi quay trở lại thị trường nội địa.
Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng mới đây là tất cả DN cùng nỗ lực khôi phục sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế. Trong đó, DN TMĐT cũng là một phần quan trọng. "Tiki là một DN Việt nên chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để hỗ trợ DN một cách hiệu quả, bền vững thay vì chỉ hỗ trợ trong một thời gian ngắn như miễn phí, giảm giá. Tất nhiên, quan trọng là DN đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi để thích ứng với bối cảnh mới hay chưa" - bà Nhật Linh nói.
Theo chia sẻ của đại diện Tiki, mặc dù có tới 40.000 DN hoạt động trên sàn này nhưng con số này vẫn nhỏ bé so với số lượng DN vừa và nhỏ của Việt Nam. Đa phần trong số đó vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức để vận hành các gian hàng online. Bởi vậy, ngay sau đại dịch Covid-19, Tiki có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị triển khai chương trình hỗ trợ 500.000 DN thiết kế, quản lý bán hàng online bài bản, làm quen dần từng bước với kinh doanh TMĐT.
"Covid-19 là thời cơ tốt để DN nhìn nhận lại xây dựng các kênh phân phối, trong đó có kênh phân phối online. Chúng tôi cho rằng tại thời điểm này, kế hoạch của Tiki có thể góp phần không nhỏ vào chuyển đổi số của DN cho phù hợp với tình hình mới" - bà Nhật Linh nhận định.
P.Nhung
Bình luận (0)