Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng những biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu trước tiên là cần phải mở rộng các thị trường thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, tín hiệu rất đáng mừng là Việt Nam đã ký được FTA với Hàn Quốc và chuẩn bị hoàn thành việc ký kết với Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan.
Ngoài ra, rất có thể việc ký kết FTA với EU sẽ được hoàn tất trong thời gian rất gần và kỳ vọng Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm kết thúc sớm. “Điều đó mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nông sản, vì rất nhiều mặt hàng đưa sang một số thị trường sẽ có thuế suất bằng 0%” - Thứ trưởng khẳng định.
Thực tế, theo ông Hải, nếu như mọi năm, Việt Nam thường xuất khẩu khoảng 60%-70% trái vải sang thị trường Trung Quốc thì năm 2014 chỉ xuất khoảng 40%-45%, phần còn lại đã chuyển sang một số thị trường khác.
“Đặc biệt, chúng ta đã mở rộng ngay tại thị trường trong nước khi đưa vải vào nhiều tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ. Việc này có được là do các doanh nghiệp (DN) chủ động tìm thị trường xuất khẩu cũng như nhờ vào hiệu quả của các chương trình kết nối của Bộ Công Thương với các địa phương sản xuất như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và các tỉnh, thành có nhu cầu lớn” - ông Hải nhận xét.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Đáng chú ý là các hoạt động phát triển thị trường nội địa cũng được chú trọng, trong đó có cả thị trường miền núi, biên giới, hải đảo. Kinh phí cho hoạt động này bắt đầu được tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Công Thương, một việc đã làm và cần phải đẩy mạnh hơn là cung cấp thông tin thị trường, thông tin về từng sản phẩm để các DN chủ động. “Nhà nước, Chính phủ chỉ hỗ trợ thôi, còn người quyết định các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu chính là DN và DN cần phải cố gắng tự chủ động hơn nữa” - ông Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Ông Hải cho rằng điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh chất lượng nông sản. “Thực tế, việc này còn rất nhiều hạn chế bởi có những sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài chất lượng không tốt làm ảnh hưởng đến nhiều DN khác có hàng hóa tương tự” - Thứ trưởng nêu rõ. Ông cho rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về Bộ Công Thương mà còn ở các đơn vị, địa phương, bộ, ngành khác.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT có trách nhiệm về quy hoạch từng mặt hàng. “Bộ NN-PTNT cần có quy hoạch tổng thể. Muốn thế thì chúng ta phải có những cánh đồng mẫu lớn, phải tập trung được đất để có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao và giá thành mang tính chất cạnh tranh” - ông Hải nói.
Theo Bộ Công Thương, một giải pháp đặc biệt quan trọng là cần tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc tiếp tục ổn định vĩ mô và tạo ra những môi trường thuận lợi thông thoáng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của DN.
Ngoài ra, khâu xử lý, khai thác thông tin bị đứt đoạn hay năng lực thông quan còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc nông sản. “Nông dân sản xuất các mặt hàng như dưa hấu, thanh long không được cập nhật kịp thời về những thông tin liên quan đến quy cách, thủ tục thông quan, yêu cầu của thị trường, tập quán mua bán... nên dẫn đến tình trạng các mặt hàng gia tăng sản xuất hằng năm nhưng năng lực thông quan các cơ quan chức năng của 2 nước ở tại biên giới thì vẫn không thể gia tăng được, không thể đáp ứng được yêu cầu thực tế” - một vị lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra. Do đó, xử lý tốt được khâu này sẽ góp phần đáng kể hạn chế việc ùn tắc nông sản vào các đợt chính vụ.
Bình luận (0)