Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11-11 ở TP HCM.
Chưa khuyến khích làm ăn bài bản
PGS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nhìn nhận rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng nông dân Việt làm ra gạo không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu là quá giỏi. Việt Nam có nhiều loại gạo ngon, chất lượng cao như Tám Hậu, Thơm Chợ Đào… nhưng chưa chiếm được niềm tin người tiêu dùng nội địa, thậm chí bị gạo ngoại tràn vào cạnh tranh là bất hợp lý. Riêng thị trường TP HCM và Hà Nội đã tiêu thụ gạo bằng 2/3 xuất khẩu.
ThS Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch sáng lập Học viện Thương hiệu Plato, nhận định trước đây, người tiêu dùng trong nước chủ yếu dùng gạo xá, không thương hiệu. Tuy nhiên, 2-3 năm qua, thị trường có sự thay đổi nhanh và cuộc chiến thương hiệu gạo đã bắt đầu. Hiện kệ gạo của các siêu thị có quá nhiều thương hiệu.
Do đó, từng doanh nghiệp (DN) phải thu hút khách hàng bằng lợi thế và sự khác biệt của mình trong sản phẩm. “Gạo thuộc mặt hàng cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, DN chỉ nên làm thương hiệu khi có sản phẩm tốt thực sự, phải có niềm tin, tình yêu vào sản phẩm thì mới có thể mang lại cảm xúc cho người tiêu dùng” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết để có thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời, đơn vị này đã xây dựng chuỗi giá trị bài bản, kiểm soát từ sản xuất đến chế biến. Tuy nhiên, cách làm kỳ công và tốn kém này lại chưa được nhà nước hỗ trợ, khuyến khích.
“Khi bán gạo được kiểm soát chất lượng, DN phải chịu thuế GTGT 5%, trong khi thương lái bán gạo trôi nổi không chịu thuế hoặc rất thấp như thuế khoán. Ngoài ra, thị trường trong nước có hiện tượng gạo nội nhưng mang “mác” của Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan. Tình trạng này đẩy DN làm ăn bài bản vào thế cạnh tranh không lành mạnh nên không kích thích đầu tư phát triển thương hiệu” - ông Dũng bức xúc.
Cạnh tranh không lành mạnh
Ông Nguyễn Thễ Hà, đại diện Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, phân tích, qua kinh doanh và bảo dưỡng máy chế biến cho thấy thương lái nhỏ hiểu thị trường gạo hơn DN lớn. “Thương lái nhỏ biết nâng niu hạt gạo hơn. Họ chà gạo theo đơn đặt hàng, dùng gạo mới và chất lượng cao nên được khách hàng tin dùng. Trong khi đó, DN lớn bán gạo lưu kho lâu ngày. Tôi nói thẳng, chắc gì chủ các DN ở đây làm ra gạo hài lòng bà xã ở nhà chứ chưa nói đến người tiêu dùng” - ông Hà dí dỏm.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, có hiện tượng làm thương hiệu gạo theo cách mua về đóng gói, không có vùng nguyên liệu nên khó kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, còn có tình trạng gạo thơm nhờ hương liệu, không phải từ lúa.
Về việc hạt gạo Việt bị ảnh hưởng do bị phía Mỹ trả về vì vướng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, PGS-TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, khẳng định gạo này không độc hại. “Đây là quy định về kỹ thuật của phía nhập khẩu do DN tìm hiểu không kỹ trước khi xuất bán. Gạo bị trả về không có nghĩa là mất an toàn” - ông Bảnh nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng và giá xuất khẩu
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cho rằng xu thế thị trường gạo thế giới là chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá thành cạnh tranh. Vì vậy, ngành gạo nên thay đổi mục tiêu xuất khẩu theo hướng nâng chất lượng và giá bán, giảm còn 2-3 triệu tấn/năm, thay vì 7-8 triệu tấn như trước đây. Vài năm gần đây, xuất khẩu gạo luôn gặp khó, giá trị giảm liên tục, kim ngạch năm 2013 là 2,89 tỉ USD giảm còn 2,68 tỉ USD trong năm 2015. Dự báo, năm nay, xuất khẩu gạo tiếp tục khó khăn khi 10 tháng đầu năm mới ước đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 1,9 tỉ USD, so với cùng kỳ 2015 giảm 21,2% về lượng và 16,9% về giá trị.
Bình luận (0)