Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người phản ánh phải vay tiền online qua website, qua ứng dụng (app) cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao, thu phí ngất ngưởng ngang tín dụng đen.
Người vay khó phân biệt
Anh Nguyễn Quang (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết cách đây không lâu, anh có nhu cầu vay vốn tiêu dùng nên truy cập app Sky Credit. Ứng dụng này giới thiệu lãi suất vay chỉ 0,5%/tháng. Thấy vậy, anh làm thử hồ sơ vay vốn, được duyệt khoản vay tín chấp lên tới... 200 triệu đồng.
"Để được giải ngân khoản vay, nhân viên app này yêu cầu tôi phải chuyển 10% dư nợ khoản vay (tương đương 20 triệu đồng) vào tài khoản chỉ định thì mới giải ngân. Thấy vô lý, tôi không đồng ý nhận khoản vay thì nhân viên này nói hủy hồ sơ thì sẽ chịu... 20% tổng số tiền vay, nếu không, hằng tháng sẽ gửi giấy báo nợ về cơ quan để đòi" - anh Quang nói.
Theo tìm hiểu, app Sky Credit hiện báo không thể truy cập. Một số người cho biết cũng bị lừa vay vốn rồi chuyển khoản 10% phí nhưng không được giải ngân, khi họ tìm tới địa chỉ theo đăng ký của công ty này mới biết là địa chỉ "ma".
Phóng viên đã liên lạc đến số điện thoại đăng ký người đại diện của Sky Credit nhưng chủ thuê bao cho biết số điện thoại anh dùng từ nhiều năm qua, không liên quan đến app cho vay. Gần đây, anh bị nhiều người gọi hỏi thăm về app cho vay online.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, cho rằng bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của tổ chức tín dụng, công ty tài chính, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng vay khác.
"Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác" - Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cảnh báo.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định có tình trạng nhiều công ty tài chính thành lập theo Luật Doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cấp rồi hình thành nhiều app cho vay online... với điều kiện vay vốn dễ dàng nhưng lãi suất ngất ngưởng. Điều này khiến dư luận tưởng nhầm là các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống tổ chức tín dụng.
Các nhóm hoạt động tín dụng đen tìm mọi cách tiếp cận những người khó khăn về tài chính. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần chính sách vay tiêu dùng riêng
Để ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, các công ty tài chính kiến nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan công an các cấp, triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi. Đồng thời, cơ quan quản lý cần kịp thời ban hành các quy định về quản lý vốn, dự phòng rủi ro, cập nhật thông tin tín dụng khách hàng trong hoạt động cho vay đối với các tổ chức cầm đồ, cho vay ngang hàng (P2P lending), vay online... nhằm đưa nhóm tổ chức này vào khuôn khổ quản lý chung.
Các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho vay tiêu dùng riêng, trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay... và có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách tiêu dùng trong vai trò hạn chế tín dụng đen.
Bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tạo điều kiện cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp định vị khách hàng mục tiêu, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác.
"Cần đề xuất áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng hạn mức tín dụng) để công ty tài chính có thêm dư địa cho vay. Có cơ chế hỗ trợ vốn cho vay để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ người dân" - bà Hồ Thị Như Hà nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-12
Bình luận (0)