TS LÊ ĐẠT CHÍ, Phó trưởng Khoa Tài chính Doanh nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM:
Kiểm soát chặt dòng tiền
Câu chuyện xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết vì thao túng chứng khoán chỉ là cái ngọn, quan trọng là phần gốc. Để ngăn chặn tình trạng thao túng chứng khoán, trước hết cần quản lý, giám sát chặt các thông tin nội gián và giao dịch thao túng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chưa kiểm soát, giám sát chặt trong mua bán chứng khoán. Để tránh thao túng thì giao dịch phải rõ ràng về nguồn tiền. Trong khi xã hội nỗ lực thanh toán không dùng tiền mặt mà cơ quan quản lý chứng khoán lại làm ngơ nguồn tiền. Việc kiểm soát dòng tiền là kiểm soát sơ khởi nhất, sau đó là theo dõi tài khoản và kiểm soát tin đồn. Nhiều nước trên thế giới kiểm soát rất tốt và không để tình trạng này tái diễn.
TS HỒ QUỐC TUẤN, giảng viên Đại học Bristol (Anh):
Không phân biệt đối xử trong thông tin
Hiện các nhà phân tích như công ty chứng khoán có thể được báo trước về lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố, hoạt động đầu tư trọng yếu, kế hoạch thoái vốn hoặc có ngân hàng cung cấp thông tin cho chuyên gia phân tích, nhà đầu tư tổ chức vấn đề quan trọng nhất về tăng tưởng tín dụng, thu nhập từ lãi, chi phí dự phòng… Các số liệu này có độ chính xác rất cao so với báo cáo tài chính được công bố sau đó. Đây là phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin mà luật pháp của đa số các nước, bao gồm cả những thị trường mới nổi như Trung Quốc, đã cấm.
Thị trường chứng khoán đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang nhóm cơ bản tốt trong nhóm VN30 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Năm 2000, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã ban hành quy định thường được gọi là "Reg-FD", nêu rõ công ty niêm yết không được cung cấp thông tin có tính trọng yếu cho riêng một vài chuyên viên phân tích hay vài nhà đầu tư tổ chức. Quy định này hướng tới ngăn cản việc phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin ra thị trường, làm tổn hại tính hiệu quả và công bằng của thị trường, góp phần bảo đảm nhà đầu tư nhỏ không bị các "cá mập" gây tổn hại.
Theo quy định, khi công bố thông tin liên quan đến chỉ tiêu trọng yếu của công ty, tình hình kinh doanh hay sản phẩm trọng yếu…, doanh nghiệp cần công bố rộng rãi trên website và qua nhiều phương tiện đại chúng, bao gồm qua kênh của sở giao dịch chứng khoán. Dù vậy, khuôn khổ luật lệ về việc không được phân biệt đối xử trong công bố thông tin trọng yếu đang vướng vào 2 vấn đề: giới hạn của thông tin trọng yếu ở đâu và nhu cầu có các "sản phẩm VIP" để nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nhiều tiền có thể tiếp cận được doanh nghiệp? Đây là lằn ranh mong manh và khuôn khổ pháp lý của Việt Nam phải bắt đầu xác định lằn ranh đỏ cho những hoạt động này, không để hoạt động cung cấp thông tin quá "thoải mái" như hiện tại.
Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC, Chủ tịch LP Group:
Công tác cảnh báo cần quyết liệt hơn
Các hành vi vi phạm liên quan đến công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán hay vi phạm của cổ đông lớn… diễn ra thường xuyên và kéo dài xuất phát từ 2 nguyên nhân cơ bản là luật chưa chặt chẽ và thực thi không nghiêm khắc. Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán hiện hành là các luật cơ bản định hình khung pháp lý cho lĩnh vực này, bên cạnh đó, các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về tố tụng (hành chính và hình sự). Nếu đặt trong so sánh với các quốc gia có nền tài chính phát triển mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Nhật… thì mức xử phạt cho các hành vi như thao túng giá chứng khoán hay giao dịch nội gián tại Việt Nam còn thấp.
Từ thực tiễn cho thấy việc đánh giá hiệu quả của chế tài pháp luật đối với hành vi vi phạm về kinh tế cần xem xét 3 yếu tố liên quan, bao gồm cơ chế xử lý đối với hành vi vi phạm, xử lý cá nhân người vi phạm và đền bù thiệt hại. Chế tài phải áp dụng đối với cá nhân người vi phạm và pháp nhân người đó dùng như một "công cụ" để thực hiện hành vi vi phạm. Theo quy định về tố tụng hình sự, việc xử lý vi phạm hành chính lần thứ 2 thông thường đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế tại Việt Nam, chỉ có truy cứu trách nhiệm hình sự mới có thể bảo đảm tính răn đe cao nhất của pháp luật với người vi phạm.
Các cổ đông chiếm tỉ lệ sở hữu thấp, các nhà đầu tư không chuyên nghiệp và người tham gia thị trường tài chính nói chung rất mong chờ vào trách nhiệm của cơ quan quản lý. Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung các điều khoản, trao thêm quyền hạn về việc giám sát của cơ quan chức năng đối với thị trường, việc thực thi đúng trách nhiệm của nhà quản lý sẽ phần nào giúp hạn chế các hệ lụy cho thị trường, từ đó bảo đảm sự minh bạch, giúp cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam để đón các làn sóng đầu tư nước ngoài đang hướng vào Việt Nam.
Ông DOÃN TRẦN, Phó Phòng Đầu tư Công ty TNHH chứng khoán ABC (ACBS):
Bản chất thao túng cổ phiếu là ngụy tạo
Thị trường chứng khoán là nơi bộc lộ sự cạnh tranh công bằng, tạo ra cầu nối giữa thực lực của nền kinh tế và cơ hội nhận được phần chia sẻ lợi nhuận tương xứng bởi quyết định tham gia. Trong chừng mực nào đó, khả năng và ham muốn thao túng chứng khoán phụ thuộc nhiều vào ý chí sẵn sàng trả giá thật cao cho mục đích tự thân. Bản chất của thao túng cổ phiếu là ngụy tạo một sự việc không thực vì mục đích tư lợi. Hành vi thao túng càng kéo dài, hậu quả không lường sẽ phát sinh kèm theo mức độ phá hoại có thể vượt tầm kiểm soát của đối tượng thao túng. Đặc biệt, với những sự thao túng có quy mô lớn, phạm vi tác động rộng, tính chất xói mòn lòng tin vào thiết chế xã hội càng sâu sắc.
Qua cách thức xử lý vụ việc FLC và kỷ luật những người có trách nhiệm vừa qua cho thấy nhận thức thống nhất của Đảng và Nhà nước đối với sự lành mạnh của thị trường chứng khoán, việc tiếp theo cần thiết là xây dựng lại bộ khung chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp tương tự, trả lại lòng tin cho thị trường và nâng cao nhận thức của nhà đầu tư thông qua hệ thống đào tạo phổ cập kiến thức tài chính để nhà đầu tư đủ minh mẫn trong việc ra quyết định. Chúng tôi thấy được tiềm năng to lớn của thị trường chứng khoán trong công cuộc xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và luôn mong thị trường phát triển lành mạnh. Hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng tầm và đạt được các chuẩn mực cao hơn trong việc bảo vệ lợi ích của tất cả nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3
Chứng khoán bứt phá ngoạn mục
Phá vỡ sự lo âu của nhà đầu tư về những thông tin tiêu cực do cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng thao túng thị trường, phiên giao dịch cuối tuần nhưng đầu tháng (1-4), chứng khoán bứt phá mạnh mẽ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 24,29 điểm (1,63%), lên 1.516,44 điểm; toàn sàn có 330 mã tăng, 125 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,48 điểm (1%), lên 454,1 điểm; toàn sàn có 133 mã tăng, 108 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,13%), lên 117,19 điểm. Đặc biệt, VN30 tăng mạnh gần 34 điểm, lên 1.542,47 điểm. Các mã chứng khoán nhóm VN30 thu hút mạnh mẽ dòng tiền. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29.401 tỉ đồng, tăng 19%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 23,8%, lên 24.773 tỉ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng khoảng 400 tỉ đồng ở sàn HoSE.
Các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán vượt qua tâm lý lo lắng, đồng thời có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu đầu cơ, penny (thị giá thấp) sang nhóm cơ bản tốt trong nhóm VN30. Đặc biệt, các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ tiền vào thị trường. VN-Index đang hướng đến đỉnh cũ 1.525 điểm. Khả năng kiểm tra lại đỉnh này trong tuần giao dịch tiếp theo.
S.Nhung
Bình luận (0)