Sáng 1-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022. Báo cáo có chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp", tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 28-2.
Quang cảnh buổi lễ công bố
Báo cáo thường niên 2022 là công trình nghiên cứu do VCCI chi nhánh Cần Thơ hợp tác cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện, với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng.
Về kinh tế ĐSBCL, kết quả nghiên cứu cho thấy điểm sáng lớn nhất trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI ,phát biểu tại buổi lễ
Báo cáo cũng chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: "Vòng xoáy ngân sách" - phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" - xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" - căn nguyên của 2 vòng xoáy trên.
Trọng tâm nghiên cứu trong cáo cáo năm nay, mục tiêu điểm gồm 3 nội dung được phân tích chuyên sâu với nhiều kết quả ấn tượng: Chuyển đổi nông nghiệp; hạ tầng giao thông và logistics; tác động của quy hoạch tích hợp lên 3 lĩnh vực là chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và phát triển năng lượng.
Trong phần chuyển đổi nông nghiệp, báo cáo nêu ở phương diện xã hội, thách thức đầu tiên của vùng là thiếu việc làm ở nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ĐBSCL cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%).
Thách thức thứ 2 là tình trạng di cư. Sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở TP HCM, Đông Nam Bộ.
Thách thức thứ 3 là tình trạng nghèo. Dù vùng có tỷ lệ nghèo đa chiều (độ rộng của nghèo) giảm mạnh từ 19,5% năm 2016 xuống còn 8,1% năm 2020 nhưng mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) gần như không được cải thiện, vẫn thiếu hụt trung bình khoảng 34% của 10 chỉ số đo lường (giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà, diện tích nhà, nguồn nước hợp vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin và tài sản thông tin).
ĐBSCL vẫn xếp thứ 2 về nghèo đa chiều, chỉ đứng trên khu vực Tây Nguyên. Các chỉ số đóng góp lớn vào mức độ nghèo đa chiều năm 2019 của ĐBSCL là hố xí hợp vệ sinh (20,1%), chất lượng nhà (19,1%) và giáo dục người lớn (18,4%).
Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước. Đáng lưu ý, chỉ 3 địa phương có mức thu nhập nhỉnh hơn trung bình cả nước một chút, gồm: Cần Thơ, Tiền Giang và Long An.
Thách thức thứ 4 là vốn tri thức và kỹ năng của lao động còn thấp. ĐBSCL có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước.
Báo cáo khuyến nghị ĐBSCL cần xem chuyển đổi nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Ngọc Trinh
Từ những thách thức trên, cáo cáo đề xuất 4 mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL gồm: Tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; hiện đại hóa nền nông nghiệp; phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường; phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình "thuận tự nhiên".
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: "Cả thế giới đang đang được khuyến nghị chuyển đổi số nhưng với vùng ĐBSCL, chúng tôi khuyến nghị "chuyển đổi nông nghiệp" phải là một ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Trong đó, cần lưu ý đặc biệt đến chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang phân khúc giá trị cao, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cách thức chế biến, lưu thông, phân phối ra thị trường. Cần đổi mới tư duy và phá vỡ các vòng xoáy đi xuống ở 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội– môi trường để thực hiện chuyển đổi nông nghiệp…".
Bình luận (0)