Đại diện Công ty CP Len Nguyễn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), chủ đầu tư chợ mới Đà Lạt và tiểu thương sở hữu 45 quầy hàng đã có buổi đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất đồng liên quan đến việc 45 quầy hàng đóng cửa vì bị Ban quản lý (BQL) chợ cắt điện và rác thải tràn ngập khu C của chợ.
Khu C chợ mới Đà Lạt bị cắt điện và rác thải tràn ngập
Tại buổi làm việc, đại diện các chủ sạp hàng, bà Nguyễn Thị Vương (39 tuổi, kinh doanh mặc hàng quần áo) yêu cầu phía chủ đầu tư làm rõ khoản thu phí phục vụ hoạt động chợ (50.000 đồng/m2/tháng), trong khi BQL chợ mới Đà Lạt cũng đã thu các khoản phí bảo vệ, phí vệ sinh công cộng, phí chiếu sáng....
Các tiểu thương cho rằng đây là những khoản phí không hợp lý, thậm chí “phí chồng phí” nếu nhân với hơn 600 quầy đang hoạt động thì số tiền thu hàng tháng sẽ rất lớn, trong khi dịch vụ trong chợ sử dụng ít, ví như cầu thang cuốn chạy điện mỗi tháng chỉ hoạt động vài lần, công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự đảm bảo… Vậy khoản tiền thu phí đó dùng trong mục đích gì?
Điều đặc biệt quan trọng là BQL chợ cho rằng luôn có lực lượng bảo vệ 24/24 giờ nhưng trong sáng 6-6 vừa qua, rác thải, nước tiểu, chất bẩn phóng uế vương vãi khắp nơi trước các quầy chưa nộp phí là nguyên do gì? Ai làm?... nhiều tiểu thương thắc mắc.
Giải thích những thắc mắc này, bà Dương Thị Hoài Thu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Len Nguyễn, cho rằng các khoản thu kể trên bao gồm lệ phí phục vụ hoạt động chợ công ty không vượt mức trần của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không từ ngân sách nhà nước.
Cuộc đối thoại diến ra nhiều giờ với các bên liên quan nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất.
Qua chia sẻ và bức xúc của các tiểu thương, bà Trần Thị Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, thừa nhận cấp dưới chưa làm tốt nhiệm vụ để xảy ra tình trạng trên, tuy nhiên, nếu tiểu thương không tin tưởng vào các khoản thu của chủ đầu tư thì có thể tự bầu ra BQL chợ, kinh phí hoạt động độc lập theo phương thức “tự thu, tự chi”.
Ý kiến trên của bà Liên bị các tiểu thương phản đối quyết liệt. Các tiểu thương cho rằng chủ đầu tư làm vậy là đang “đem con bỏ chợ” khi không thể giải quyết rõ ràng, thỏa đáng các thắc mắc kể trên.
Sau khi đối thoại giữa các bên nhưng không tháo gỡ được những khuất mắc, bất đồng, bà Liên cho biết sẽ đề nghị cơ quan thuế làm rõ các khoản thu, đồng thời cũng mời cơ quan công an vào điều tra để làm rõ hành vi phá hoại chợ, sau đó sẽ đưa ra các biện pháp giải quyết và có câu trả lời thỏa đáng cho các tiểu thương trong thời gian sớm nhất.
Hiện các tiểu thương tại chợ mới Đà Lạt đang đóng 6 khoản phí bao gồm: phí bảo vệ, phí chiếu sáng công cộng, lệ phí phục vụ hoạt động chợ, phí vệ sinh công cộng, tiền điện và tiền nước.
Một số tiểu thương tại đây cho rằng phí phục vụ hoạt động chợ (50.000 đồng/m2/tháng) là trùng với các khoản phí khác nên đã ngừng đóng từ tháng 4-2015. Do chưa đóng lệ phí phục vụ hoạt động chợ nên BQL chợ mới Đà Lạt đã ngừng cung cấp dịch vụ 45 quầy hàng và những hệ lụy, bất đồng đó xảy ra trong những ngày vừa qua.
Bình luận (0)