TS CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia:
Cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Lâu nay, chúng ta chưa thực sự khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng mà chủ yếu là phát hành riêng lẻ. Vì vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu cải tiến quy trình, thủ tục để xem xét phê duyệt phương án phát hành trái phiếu ra công chúng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm xử lý dứt điểm những vụ vi phạm trên thị trường bất động sản (BĐS), thị trường trái phiếu đã được công bố sơ bộ kết quả điều tra, qua đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp (DN).
BĐS sẽ rất khó phát triển nếu như việc giải ngân vốn đầu tư công không bảo đảm tiến độ. Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Đây là vấn đề rất quan trọng, trong tầm tay của TP HCM và các địa phương. Đặc biệt, kiến nghị sớm thông qua 3 luật liên quan BĐS, nếu không sẽ rất khó cho thị trường BĐS, kể cả đất đai và thị trường trái phiếu DN trong thời gian tới.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Mong có quy định phù hợp
Hiện nay, vướng mắc pháp lý là vướng lớn nhất, chiếm đến 70%. Thứ nhất, một số quy định pháp luật thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau. Thứ hai là về tiếp cận nguồn vốn. Thứ ba là tín dụng từ các ngân hàng thương mại, dù là "bà đỡ" cho DN, cho thị trường nhưng lại khó vay, lãi suất còn cao.
Tôi mong có quy định phù hợp để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Không chắc chắn sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này nhưng tôi kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua và có hiệu lực, đúng như kế hoạch khi các nội dung đã hoàn thiện.
Ông NGUYỄN MINH TRÍ, Thành viên HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank):
Ngân hàng cho vay với lãi suất thấp
Là ngân hàng thương mại, chúng tôi thực hiện trách nhiệm huy động vốn để cho vay. Chúng tôi khẳng định bản thân các ngân hàng cũng phải đầu tư cho dòng vốn, trong đó có BĐS mà cụ thể là NƠXH, lĩnh vực hạ tầng... Tuy nhiên, khi cho vay, ngân hàng đặt mục tiêu phải thu hồi vốn. Do đó, khi cấp tín dụng cho dự án NƠXH phải bảo đảm pháp lý, kể cả người mua và DN đầu tư.
Riêng đối với gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, Agribank từ ngày đầu tiên triển khai đã đăng ký 30.000 tỉ đồng. Hiện nay, tỉ lệ giải ngân chưa nhiều nhưng ngân hàng luôn sẵn sàng, chỉ cần DN có đủ điều kiện pháp lý, đáp ứng được là giải ngân.
Agribank hay các ngân hàng khác đều mong chờ các dự án được hoàn thiện vì BĐS cũng ảnh hưởng rất lớn đến các dự án khác. Ngân hàng luôn nhắm đến mục tiêu cho vay với khách hàng có lãi, kinh doanh hiệu quả và lãi suất luôn thấp theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông PHẠM ĐĂNG HỒ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS - Sở Xây dựng TP HCM:
Cần quy trình riêng cho NƠXH
TP HCM đã ban hành trình tự thủ tục thực hiện nhóm NƠXH và dự án xây dựng lại chung cư cũ, sắp tới sẽ tham mưu ban hành thủ tục đối với dự án nhà ở thương mại. Nhưng rõ ràng các thủ tục này đang nằm rải rác ở các luật, chưa có tính hệ thống xuyên suốt, dẫn đến việc thực hiện có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành. Do đó, khi hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần lưu ý các điều khoản chuyển tiếp, hồi tố đối với dự án đang triển khai dở dang.
Dự án NƠXH cần quy trình riêng và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần có đơn vị đầu mối để xem xét tổng thể thủ tục đầu tư dự án. Theo đó, có thể tham mưu đề xuất tổ công tác liên ngành để giải quyết thủ tục đầu tư trong một buổi họp, thống nhất về thủ tục pháp lý. Có như vậy sẽ giải quyết cùng lúc và đồng thời các thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông NGUYỄN NGỌC VĂN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương:
Quan trọng ở cách nhìn nhận, giải quyết vướng mắc
Bình Dương xem DN là những người bạn đồng hành nên rất chia sẻ với khó khăn mà họ gặp phải. UBND tỉnh tuần nào cũng họp giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN. Trong đó, đặt ra nội dung cụ thể để biết vướng mắc ở đâu và vướng cái gì thì gỡ. Chẳng hạn, khi vướng mắc được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thì phải lấy ý kiến cụ thể, nội dung gì và phải được sự đồng ý của sở, ngành liên quan thì mới được tham mưu UBND tỉnh.
Đối với các vướng mắc, phải cho DN đáp án giải quyết được hay không; nếu được thì trong thời gian bao lâu và cam kết thực hiện. Thực tế, khó khăn là giống nhau nhưng chung quy lại là cách làm và cách đẩy nhanh tiến độ giải quyết - phải sớm có đáp án, bảo đảm sự thỏa mãn và yêu cầu của từng khía cạnh vấn đề.
Ông BÙI NGỌC ĐỨC, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất Xanh:
Bài toán khó cho doanh nghiệp
Vấn đề pháp lý dự án, thủ tục là những yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của dự án và DN kinh doanh phát triển dự án. Các DN thường sử dụng từ "cầu khẩn" khi nhắc đến những yếu tố trên trong thời gian gần đây, bởi thực sự còn rất nhiều vướng mắc tồn đọng.
Thực tế, DN đã có thỏa thuận đền bù với người dân một cách hợp pháp rất lâu trước đây. Tuy nhiên, để đăng ký biến động đất vào DN thì thỏa thuận trên là chưa đủ. Chúng tôi được yêu cầu thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nói cách khác là phải hủy thỏa thuận đền bù đã công chứng cách đây 13 năm. Điều này là không thể thực hiện được. Chúng ta áp dụng luật nhưng luật lại mang tính địa phương cao. Việc này ảnh hưởng lớn không chỉ với lĩnh vực BĐS mà còn cả môi trường đầu tư tại Việt Nam. Vậy làm sao cho đúng pháp luật là bài toán rất khó cho DN.
Ông NGÔ ĐỨC SƠN, Tổng Giám đốc Công ty CP DRH Holdings:
Khó khăn pháp lý rất khó lường
Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 148 dự án tại TP HCM đến nay có tiến triển nhưng chưa hiệu quả.
Bản thân các nhà phát triển dự án đều lường được những khó khăn và đã chọn lựa những đường đi ít gập ghềnh nhất. Tuy nhiên, những khó khăn về chính sách như pháp lý đầu tư, pháp lý cho thị trường BĐS là không thể lường trước được.
Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
10 nhóm giải pháp
Có 10 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho BĐS thời gian tới.
Thứ nhất, cần sửa đổi và sớm thông qua các luật như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)… Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh các văn bản dưới luật, vì những văn bản này mới hướng dẫn cụ thể để phù hợp với tình hình mới và không chồng chéo lẫn nhau.
Thứ ba, giải quyết vấn đề thực thi pháp luật của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc này không phải ngày một, ngày hai. Để giải quyết vấn đề này, ngoài động viên tinh thần, về lâu dài cần xây dựng quy trình làm việc hệ thống, bài bản, khoa học, chuẩn mực.
Thứ tư, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc tiêu cực trước đây mà chưa có kết quả, kết luận cuối cùng để người dân, DN yên tâm, có niềm tin đầu tư.
Thứ năm, cần phải tăng cường phát hành trái phiếu ra công chúng. Thứ sáu, tăng cường giải ngân đầu tư công nhằm góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thứ bảy, thúc đẩy quỹ phát triển NƠXH để giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, cống hiến và xây dựng đất nước.
Thứ tám, đẩy mạnh phát triển BĐS khu công nghiệp, nhất là trong bối cảnh một số DN rời bỏ các thị trường khác và chọn Việt Nam là thị trường mới. Khi phát triển BĐS khu công nghiệp sẽ góp phần kích thích toàn diện, đưa thị trường BĐS đi lên.
Thứ chín, các DN BĐS, trong đó có vai trò của Hiệp hội BĐS, cần tăng cường kiến nghị, đề ra nhiều giải pháp hay hơn, sát hơn nữa với tình hình thực tế.
Thứ mười, tăng cường vai trò của cơ quan truyền thông. Báo Người Lao Động sẽ cùng với các cơ quan báo chí khác, kịp thời lên tiếng, hỗ trợ và đồng hành với các DN, nhanh chóng phản ánh thực trạng, đề xuất giải pháp.
Bình luận (0)