Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng với nghề đi biển. Trai tráng thì ra khơi đánh cá, những người phụ nữ ở nhà thì làm các dịch vụ hậu cần nghề cá như buôn bán hải sản, bốc hàng, nước xá… Trong số những nghề cơ cực đó, có nghề nướng cá được thường ăn nên làm ra mỗi dịp Tết đến.
Cá thu - một loại cá "đặc sản" có giá trị dinh dưỡng cao được thị trường ưa chuộng trong dịp Tết
Với các loại cá nướng, cá thu vẫn được xem là cá "đặc sản" có thị trường tiêu thụ lớn, ổn định nhất. Đây là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao, thường được nhiều người mua để làm quà mỗi dịp Xuân về, vì thế cứ vào đầu tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), làng nước cá ở cửa biển Ngư Lộc lại bất bật, đỏ lửa suốt đêm ngày nướng cá.
Tại cơ sở nướng cá của bà Trần Thị Hóa (SN 1960, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) luôn nhộn nhịp không khí lao động. Gia đình bà thường ngày có 4 người làm công việc lấy cá, rã đông, chặt cá, nướng cá… nhưng năm nay đơn hàng nhiều, gia đình bà phải thuê thêm 3 lao động mới kịp giao hàng cho khách trước 28 Tết.
Cá thu được cắp đông cẩn thận để giữ được độ tươi ngon
Cá sau khi được rã đông thì chặt thành từng khúc
Gia đình bà Hóa có thâm niên nướng cá "đặc sản" hàng chục năm, bình thường gia đình bà tiêu thụ khoảng 15 tấn cá các loại, thì tháng giáp Tết, sản lượng tiêu thụ tăng hơn gấp đôi, khoảng 40 tấn cá các loại, riêng cá thu lên đến 20 tấn.
"Cá nướng muốn thơm ngon phải được cắp đông ngay khi khai thác trên biển. Cá thu béo, thơm ngon, béo, nhiều thịt nhất thường được khai thác từ tháng 11 đến tháng 2 Âm lịch. Để nướng những mẻ cá chín đều, thịt bên trong thơm ngọt, mất rất nhiều thời gian. Những ngày sát Tết cơ sở chúng tôi phải nướng cá xuyên đêm"- bà Hóa thông tin.
Cá sau đó được cho vào lò nướng để cung ứng ra thị trường
Cá "đặc sản" này phải nướng bằng than thì mới giữ được vị thơm ngon
Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Ngư Lộc hiện có hàng chục cơ sở nướng cá cung ứng ra thị trường. Nghề này rất vất vả, bởi người nướng cá luôn ám mùi tanh nồng, mặt mũi lấm lem than khói. Tuy nhiên, nó lại là nghề có thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, nhiều lao động ở độ tuổi 50-60, không đủ sức khỏe làm việc tại các công ty vẫn có thể làm được.
Có lượng tiêu thụ lớn, mỗi tháng gia đình bà Hóa kiểm được khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, còn tháng cuối cùng của năm, doanh thu lên đến gần 3 tỉ đồng. Trừ chi phí, trả lương cho người lao động, gia đình bà Hóa cũng có thu nhập khá, ổn định.
Nghề nướng cá biển tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập ổn định
Có nhiều gia đình ở vùng biển Thanh Hóa ăn nên làm ra từ nghề nướng cá
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, trên địa bàn xã có hàng chục hộ gia đình làm nghề nướng cá biển. So với nghề đi biển, nghề này cũng cơ cực nhưng mang lại thu nhập ổn định. "Rất nhiều gia đình có thu nhập khá giả từ nghề nướng cá biển, đây là nghề không chỉ giúp người dân vươn lên thoát nghèo mà còn tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập, đặc biệt là dịp Tết"- ông Quang chia sẻ.
Bình luận (0)