Bất chấp tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, các làng nghề ở miền Tây luôn hoạt động gần như sáng đêm để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Không khí hối hả, những tiếng gọi nhau í ới của nhân công khiến các làng nghề càng trở nên rộn ràng hơn.
Tất bật tăng công suất
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tôm khô Tân Phát Lợi (tỉnh Cà Mau), cho biết trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường hơn 2 tấn tôm khô, bánh phồng tôm, muối tôm... Hiện nay, hàng chục nhân công của HTX làm hết công suất để ngày 20 tháng chạp sẽ chốt xong các đơn hàng.
Làng nghề sản xuất khô, mắm ở phường An Lạc, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hối hả chuẩn bị hàng Tết .Ảnh: TÂM MINH
"Trước đây, chúng tôi nghĩ do ảnh hưởng dịch Covid-19, túi tiền của người dân eo hẹp dẫn đến thắt chặt chi tiêu nên hàng hóa cuối năm sẽ bán chậm. Tuy nhiên, những ngày qua, lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn đạt kết quả khả quan, tăng gấp 4 lần so với các tháng thông thường. Lương Tết của nhân công HTX cũng trên dưới 7 triệu đồng/người, qua đó anh chị em có khoản tiền lo cho gia đình, hy vọng Tết này tươm tất và đầy đủ hơn" - ông Chương phấn khởi.
Làng cốm Tân Thành ở TP Cà Mau cũng đang rộn ràng chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường. Bà Trần Thị Nâu - ngụ phường Tân Thành, TP Cà Mau - cho hay: "Tôi cùng các thành viên gia đình đang tập trung toàn bộ nguồn lực để ngào những mẻ cốm thơm ngon giao cho khách. Trong tháng cận Tết, dự kiến gia đình xuất bán hơn 300 kg cốm ngào thành phẩm, tiền lãi thu về cũng khá nên có khoản để cả nhà lo Tết".
Đến làng bột gạo Tân Phú Đông ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp những ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc luôn tất bật, rộn rã. Các cơ sở sản xuất bột, lò làm hủ tiếu, bánh phở đang hối hả chuẩn bị cho những đơn hàng Tết.
Vừa kiểm tra bột, bà Nguyễn Thị Mộng Thường, ngụ xã Tân Phú Đông, vừa cho hay hằng năm, cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, bà cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào làm hủ tiếu chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán. Dự kiến, dịp Tết năm nay, mỗi ngày cơ sở của gia đình bà cho ra lò từ 800 kg đến 1 tấn sản phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tại tỉnh An Giang¸ huyện Chợ Mới có nhiều cơ sở sản xuất khô cá lóc các loại (má cá, bao tử, sợi cá), khô cá sặc, cá tra phồng, cá lìm kìm. Trong đó, mặt hàng chủ lực vẫn là khô cá lóc. Vào tháng giáp Tết, các cơ sở đều tăng công suất, hoạt động hầu như 24/24 giờ.
Trong cơ sở sản xuất khô cá lóc Nhựt Tâm ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, hàng chục lao động đang khẩn trương làm các công đoạn để kịp đưa sản phẩm ra thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Ngoan, chủ cơ sở, Nhựt Tâm chuẩn bị hơn 6 tấn cá lóc để làm khô, công suất mấy ngày gần đây tăng hơn 10% so với nửa tháng trước.
Ở tỉnh Vĩnh Long, làng nghề bánh tráng cù lao Mây tại xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp cuối năm. Bánh tráng vẫn được xem là một trong những món đặc sản của người dân miền Tây bởi vị ngon đặc trưng, dân dã. Đây cũng là món ăn được nhiều người lựa chọn làm quà Tết. Thời điểm này, người dân làng nghề bánh tráng cù lao Mây đều hối hả làm hàng ngàn chiếc bánh tráng phục vụ thị trường mỗi ngày. Cù lao Mây có hơn 70 hộ chuyên làm bánh tráng, trong đó nhiều gia đình đã theo nghề truyền thống này 3-4 đời.
Cận Tết, đơn hàng nhiều nên những ngày này, gia đình bà Trần Thị Thúy Liễu ở làng nghề bánh tráng cù lao Mây phải dậy từ sáng sớm để nhóm lửa, xay bột. Ngoài các loại bánh tráng ớt, tôm và sữa, năm nay bà Liễu còn làm thêm bánh tráng thanh long nên được nhiều người ưa chuộng. Bánh tráng thanh long được làm từ bột gạo, trái thanh long ruột đỏ xay nhuyễn rồi trộn chung sữa, đường, mè, nước cốt dừa... Sau khi tráng, những chiếc bánh hình tròn được phơi ngoài nắng 4-5 giờ liên tục.
Lúc trước, bà Liễu làm thử bánh tráng thanh long để thăm dò khẩu vị người tiêu dùng và nhiều người mua ăn khen ngon, lạ miệng. Những ngày này, gia đình bà trung bình mỗi ngày bán được khoảng 400 bánh tráng các loại, trong đó có 100 bánh tráng thanh long, với giá 32.000 đồng/chục. "Cận Tết nên khách đặt hàng nhiều, gia đình tôi phải tăng công suất tráng bánh" - bà hồ hởi.
Giữ gìn thương hiệu
Đề cập chất lượng của bánh tráng thanh long, bà Liễu khẳng định: "Do được làm từ bột gạo, thanh long và sữa, tuyệt đối không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản nên bánh tráng thanh long có màu đỏ rất đẹp mắt, độ ngọt vừa phải, thơm mùi thanh long và hương sữa".
Tại làng nghề sản xuất khô, mắm ở phường An Lạc, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, các giàn phơi cá bằng tre được dựng lên dày đặc hai bên đường. Mùi đặc trưng của khô cá lóc và mắm từ các cơ sở tỏa ra đậm đà.
Bên trong các cơ sở, nhân công đang hối hả chế biến cá lóc nguyên liệu để chuẩn bị cho công đoạn phối trộn, ướp khô. Ông Trần Văn Á, chủ cơ sở khô cá lóc Út Á, cho biết: "Năm nay do khó khăn vì dịch bệnh nên sản lượng của cơ sở chúng tôi giảm khoảng 20%-30% so với năm trước. Do giá cá nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm khô thị trường Tết này cũng thay đổi. Chúng tôi vẫn đang tăng cường sản xuất và luôn chú trọng vào chất lượng để giữ gìn thương hiệu đặc sản của địa phương".
Theo ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - trên địa bàn huyện có hơn 150 cơ sở kinh doanh các mặt hàng phục vụ thị trường Tết. Để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại những cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Các làng nghề tại Cà Mau hoạt động hơn 100% công suất để cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.Ảnh: VÂN DU
"Các mặt hàng chủ lực của địa phương phục vụ thị trường Tết cơ bản bảo đảm. Trong đó, một số đặc sản như: tôm khô, ba khía trộn, bánh phồng tôm… dù đang hút hàng nhưng không đủ cung cấp do nguồn nguyên liệu giảm" - ông Lâm thông tin.
Quảng bá qua mạng xã hội
Theo ông Dương Mai Thanh Sơn - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - khoảng nửa tháng nay, các cơ sở sản xuất khô ở huyện đã nâng dần công suất, sức tiêu thụ tăng 20%-30% so với cùng kỳ hằng năm.
Cơ sở ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang tất bật sản xuất khô theo cách truyền thống để kịp cung ứng ra thị trường dịp Tết .Ảnh: KỲ ĐỒNG
"Tín hiệu vui là các cơ sở sản xuất đều tăng công suất và biết tận dụng nhiều kênh bán hàng từ truyền thống đến mạng xã hội để tăng sức bán, quảng bá thương hiệu của đặc sản địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước" - ông Thanh Sơn cho biết.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)