Trong đó, nợ Chính phủ là 1.826.777 tỉ đồng, bằng 46,4% GDP, chiếm 79,95% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh là 422.640 tỉ đồng, chiếm 18,5% nợ công và nợ chính quyền địa phương là 35.465 tỉ đồng, chiếm 1,55% nợ công.
Qua kiểm toán cho thấy chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công từng bước được tăng cường, các chỉ tiêu nợ công năm 2014 so với GDP trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép (thấp hơn 65% GDP - PV).
Song, danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh; công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo. Đáng lưu ý, Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước xác nhận số dư nợ công đến cuối năm 2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014.
Báo cáo cũng cho thấy tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị 21/50 tỉnh, TP được kiểm toán bố trí hoàn trả lại nguồn 1.608 tỉ đồng. Ngoài ra, còn địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí và không còn kết dư ngân sách dẫn đến một số nhiệm vụ chi theo quy định được chuyển nguồn nhưng không có nguồn bảo đảm để chi chuyển nguồn.
Về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, cơ quan kiểm toán nêu rõ một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về mua sắm, sửa chữa tài sản, vượt định mức về số lượng ô tô. Trong đó, một số đơn vị thuộc Bộ Y tế sử dụng vượt 17 ô tô so với định mức, Viện Pháp y tâm thần trung ương vượt 1 xe, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vượt 3 xe...
Bình luận (0)