Thời điểm trước khi nắm giữ vị trí tổng giám đốc (CEO) của Ngân hàng (NH) HSBC Việt Nam (tháng 9-2014), điều anh Phạm Hồng Hải lo lắng là trong 3 năm trước đó, hoạt động kinh doanh của NH tại Việt Nam không được tốt. Muốn tiếp tục là một trong những thị trường quan trọng của tập đoàn, HSBC Việt Nam phải thay đổi. Và mọi chuyện đã rất khác.
Dưới thời Phạm Hồng Hải…
Phạm Hồng Hải nhớ lại thách thức khi ấy: Áp lực phải tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thị trường trong nước chưa thực sự bắt kịp những chuẩn mực của thị trường quốc tế, liệu Việt Nam có duy trì được vị trí quan trọng hiện tại theo yêu cầu của tập đoàn?
CEO Phạm Hồng Hải của HSBC Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không lâu sau, cuối năm 2014, HSBC Việt Nam tham gia thực hiện thành công đợt phát hành 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ với vai trò là tổ chức đồng tư vấn phát hành và đồng ghi sổ phát hành. Đợt phát hành 1 tỉ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm này đánh dấu sự trở lại thị trường trái phiếu quốc tế kể từ đợt phát hành của Chính phủ tháng 1-2010. Đây là giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD đầu tiên từ Chính phủ Việt Nam sau 14 năm và cũng là giao dịch quản lý nợ đầu tiên của Việt Nam nhằm cơ cấu nợ.
Anh Hải kể: “Giao dịch sáng tạo này là giao dịch hoán đổi nợ tăng tốc thứ hai tại châu Á (trong vòng 1 ngày với lợi thế tránh ảnh hưởng bởi biến động thị trường), minh chứng cho khả năng phát triển phức hợp của Việt Nam với vai trò là tổ chức phát hành cấp quốc gia. Trái phiếu mới kỳ hạn 10 năm thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trên toàn cầu với sổ đặt mua kỷ lục trên 10 tỉ USD. Điều này cho phép giao dịch được định giá ở mức 4,8%, thấp hơn nhiều giá dự kiến ban đầu 5,125%”.
Sau 2 năm điều hành, lợi nhuận của HSBC Việt Nam, chất lượng tăng trưởng, sự tuân thủ trong kiểm soát rủi ro tội phạm tài chính, tuân thủ pháp luật đã đáp ứng được kỳ vọng của tập đoàn. Hoạt động kinh doanh của NH đạt nhiều kết quả ấn tượng, tổng lợi nhuận trước thuế của HSBC Việt Nam tăng liên tiếp trong nhiều năm, củng cố vị trí NH nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Dưới thời của Phạm Hồng Hải, HSBC Việt Nam cũng tập trung mạnh mẽ vào cải thiện các quy trình quản lý rủi ro giúp NH phát triển bền vững hơn. Nếu chỉ tập trung phát triển bằng mọi giá thì không chỉ NH mà cả thị trường có thể đối mặt vấn đề nợ xấu và tạo kẽ hở cho tội phạm tài chính xâm nhập. Chiến lược của NH đã thay đổi nhiều bằng việc đẩy mạnh đầu tư kiểm soát rủi ro tội phạm tài chính, tập trung vào khách hàng cốt lõi, từ đó kiểm soát được nợ xấu và có sự tăng trưởng bền vững.
Tổng giám đốc một công ty sở hữu chuỗi bán lẻ lớn từng chia sẻ rằng hơn 10 năm trước, không một NH nội nào cho ông vay tiền vì không có tài sản thế chấp, trừ HSBC Việt Nam vì thấy dự án của ông tốt và tiềm năng. Đến giờ, vị tổng giám đốc này vẫn trân trọng HSBC vì khi ấy đã giúp ông khởi nghiệp.
Giỏi xoay chuyển tình thế
Thông thường, các tập đoàn nước ngoài ít khi bổ nhiệm một CEO là người bản địa quá lâu do lo ngại họ có thể xây dựng “đế chế riêng” ở thị trường đó. Chính điều này càng cần bản lĩnh của một CEO giúp ban lãnh đạo tập đoàn tin tưởng. Để làm điều này, theo anh Phạm Hồng Hải, chính là câu chuyện về sự minh bạch và việc tuân thủ nguyên tắc quản trị. Minh bạch là tiêu chí đầu tiên được vị CEO này đưa ra trong các hoạt động của NH bởi đối với NH, quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu.
Bây giờ, các NH đã bắt đầu nâng chuẩn, như tiêu chuẩn của Tập đoàn HSBC đã được áp dụng ở tất cả thị trường. Toàn bộ 4.400 văn phòng tại 71 quốc gia và lãnh thổ của HSBC hoạt động dưới một chuẩn mực chung trên toàn cầu. Nhưng điều này không dễ đối với HSBC tại Việt Nam, một thị trường vẫn còn nặng về văn hóa tiền mặt và nhiều chuẩn mực toàn cầu chưa được áp dụng. Do đó, không phải khách hàng nào cũng hiểu được giá trị bảo vệ của những nguyên tắc mà NH đang áp dụng.
Khi khách hàng mang số tiền lớn đến gửi, các NH khác có thể đón nhận dễ dàng thì tại HSBC Việt Nam, các bước công việc nhằm hiểu rõ về nguồn tiền sẽ được thực hiện thêm. Như việc khách hàng bán căn nhà được 2 tỉ đồng có nhu cầu gửi NH, trước đây để hiểu về nguồn gốc số tiền, NH chỉ yêu cầu hợp đồng bán nhà nhưng giờ cần thông tin sâu hơn về nguồn gốc tài sản. “Không ít lần NH phải từ chối phục vụ khách hàng khi nguồn gốc tài sản không rõ ràng. Đây là cái giá phải chấp nhận để quản trị rủi ro và phát triển bền vững” - anh Phạm Hồng Hải bày tỏ.
Nhìn vào Ban Giám đốc HSBC Việt Nam hiện nay, sẽ thấy 50% là người Việt Nam. Nhưng ở cương vị CEO, anh Hải muốn có thể làm tốt hơn, thêm nhiều người Việt lãnh đạo hơn. Điều anh trăn trở là khoảng cách về trình độ và kinh nghiệm giữa các nhà quản lý cấp cao và các tài năng trẻ vẫn còn khá lớn. Để thu hẹp, HSBC Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào đào tạo nguồn nhân lực, đưa nhiều chương trình về đào tạo nhân tài cả trong và ngoài nước với hy vọng nuôi dưỡng được thế hệ lãnh đạo trẻ kế thừa.
Kỳ tới: Bỏ lương ngàn đô, theo tiếng đàn
Từ nhân viên đón khách đến CEO
Một trong những việc anh Phạm Hồng Hải quyết định trải nghiệm ở vị trí CEO là thử sức trong vai trò nhân viên tại các phòng, ban. Suốt khoảng thời gian dài làm NH, lĩnh vực anh phụ trách chính là kinh doanh ngoại hối, tiền tệ và lãi suất trong khi các mảng khác như khối dịch vụ tài chính cá nhân, quản lý rủi ro hay khối nghiệp vụ lại chưa có nhiều trải nghiệm thực tế. Làm việc ở vai trò nhân viên đã giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn về công việc của họ. Vậy là một ngày, anh quyết định trở thành “nhân viên đón khách” ở quầy giao dịch.
“Nhân viên đón khách tưởng chừng là công việc đơn giản nhất trong NH nhưng không hẳn vậy. Có trực tiếp làm công việc của các bạn ấy mới thấy không chỉ chào hỏi, nhân viên cần phải thật sự am hiểu về các sản phẩm, dịch vụ, quy trình của NH để giải đáp, hướng dẫn mọi thắc mắc cho khách hàng. Chưa kể, họ phải tiếp xúc và hỗ trợ nhiều khách hàng khác nhau với đủ các trạng thái, tâm lý vui buồn” - anh Hải cho biết.
Bình luận (0)