Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có báo cáo gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về kết quả xác minh hoạt động nhập khẩu, kinh doanh của của các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam.
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) giao Cục QLTT TP HCM phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải quan cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo để thực hiện công tác thẩm tra, xác minh thông tin.
Kết quả bước đầu cho thấy chi nhánh Công ty TNHH KDDI Việt Nam tại TP HCM có mã doanh nghiệp là 0100971460001 không tra cứu được thông tin doanh nghiệp.
Vụ việc liên quan đến Asanzo vẫn chưa có kết luận cuối cùng
Có 3 doanh nghiệp địa chỉ trụ sở không thuộc địa bàn TP HCM là công ty TNHH POYLINK, mã doanh nghiệp 3702609278; công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Điện tử Asanzo, mã doanh nghiệp 1101873316; công ty TNHH Lotte Global Logistics Việt Nam, mã doanh nghiệp 1100816121.
Lực lượng QLTT cũng xác minh 7 doanh nghiệp theo danh sách cung cấp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM và 23 doanh nghiệp theo danh sách cung cấp của Cục Hải quan TP HCM.
Trong số những doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp không hoạt động, một số doanh nghiệp không phát sinh giao dịch mua bán sản phẩm liên quan đến hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo... Một số doanh nghiệp hoạt động bình thường, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tổng cục Quản lý Thị trường đã thành lập đoàn công tác, phối hợp với các đơn vị khác tiến hành làm việc, xác minh thông tin tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Đoàn công tác đã có báo cáo về danh sách các nhà cung cấp hàng hóa, nhà cung cấp vật tư cho Asanzo, danh mục hàng hóa do công ty lắp ráp và danh mục khách hàng của Asanzo.
Báo cáo cho thấy hàng năm Asanzo đều chi số tiền rất lớn để nhập linh kiện. Năm 2017, Asanzo đã nhập khẩu gần 3 triệu linh kiện, phụ tùng với giá trị lên tới 552,8 tỉ đồng.
Năm 2018, Asanzo tiếp tục nhập khối lượng lớn từ Công ty TNHH Sản xuất thương mại Lê Sơn, Lê Quang, Gia Bảo, Trần Thoàn, Trường Thiện, Vân Anh, Hưng Thịnh, Thạch Sơn, Xốp Phương Nam, Thương mại Việt Hương, bao bì Phương Nam, Đầu tư Văn Đoàn, Thương mại Nhật Văn, Nghĩa Phát, Xuất nhập khẩu Hồng Diễm, Xuất nhập khẩu Việt Séc. Tổng linh kiện mà Asanzo nhập trong năm 2018 có giá trị lên tới 1.075 tỉ đồng. Trong năm 2019, Asanzo đã nhập 1,022 triệu linh kiện với giá trị 235 tỉ đồng.
Những lùm xùm về nguồn gốc xuất xứ của Asanzo bùng phát từ trung tuần tháng 6-2019. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương, Công An và các ngành liên quan vào cuộc làm rõ sự việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30-8 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã phát đi thông báo cho biết phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh trong khi chờ kết luận thanh tra của cơ quan chức năng.
Thông cáo báo chí của doanh nghiệp này viết: “Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, chúng tôi bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng”.
Doanh nghiệp cho biết đang trong thời gian chờ kết quả đó đã phải chi ít nhất 1 tỉ đồng mỗi ngày do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động.
Bình luận (0)