xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM bàn giải pháp giữ vị thế xuất khẩu

PHƯƠNG NHUNG

Do mất dần lợi thế cạnh tranh cũng như khả năng đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, TP HCM cần định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu dịch vụ

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề "Tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn thành phố" do UBND TP HCM tổ chức ngày 17-10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP muốn lắng nghe sâu hơn các ý kiến đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động đầu tư - xuất khẩu gần 20 năm qua, làm cơ sở để xác định vị trí hàng hóa của TP trong tổng thể sử dụng hàng hóa thế giới, từ đó định hướng phát triển phù hợp cho giai đoạn sắp tới.

Nhận dạng bức tranh xuất khẩu

Trước dấu hiệu sụt giảm tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP HCM so với cả nước trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đặt câu hỏi "do thiếu cơ chế chính sách hay do những yếu kém nội tại của kinh tế TP hoặc nguyên nhân nào khác?". Từ đó, ông yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, nêu rõ giải pháp nào TP làm được, giải pháp nào cần sự hỗ trợ, phối hợp của trung ương; đồng thời khuyến nghị các định hướng phát triển xuất khẩu mà TP cần tập trung chỉ đạo, điều hành.

Cũng nhận định xuất khẩu của TP đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công thuộc Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng cần nhận dạng lại bức tranh chung về xuất khẩu của TP để có định hướng cải thiện. Ông chỉ rõ: "Chúng ta chưa đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng thấp trong các ngành xuất khẩu theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh của cụm ngành và chuỗi giá trị; chưa xác định được ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao dựa trên các phân tích, đánh giá một cách khoa học. Các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu trong những năm trước vẫn còn dàn trải, thiếu tính chiến lược dài hạn…".

TP HCM bàn giải pháp giữ vị thế xuất khẩu - Ảnh 1.

Hội nghị xác định TP HCM cần chuyển đổi theo hướng chú trọng xuất khẩu dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin Ảnh: TẤN THẠNH

Nêu định hướng xuất khẩu đến năm 2030, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết quan điểm chiến lược của TP là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình như phần mềm, sản phẩm nội dung số. Ngoài ra, TP tiếp tục duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu; nâng cấp công nghệ và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

Thuyết minh thêm cho mô hình tăng trưởng, ông Nguyễn Ngọc Hòa đưa ra hình ảnh "cá chép hóa rồng" với 3 phần cần tập trung phát triển. Theo đó, phần đầu cá tượng trưng cho dịch vụ nền với vai trò hỗ trợ chung cho phát triển xuất khẩu, bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xúc tiến thương mại; phần thân cá là sản phẩm xuất khẩu truyền thống; phần đuôi là xuất khẩu sản phẩm dịch vụ và sản phẩm số hóa. Nếu phối hợp tốt, xuất khẩu có thể tăng tốc trong thời gian tới.

Chỗ dựa cho vùng lân cận

Trong phần thảo luận, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nêu khó khăn trong vận chuyển hàng hóa do hệ thống logistics của TP cũng như vùng lân cận còn nhiều bất cập. "Nhiều nước như Trung Quốc, Singapore… có hệ thống vận tải hàng hóa chuyên nghiệp trên tuyến đường sắt và đường thủy, không vận chuyển bằng đường bộ như Việt Nam. Thế nhưng, chúng ta vận chuyển đường sắt, đường sông từ miền Nam ra miền Trung mất rất nhiều thời gian nên doanh nghiệp (DN) muốn đi đường bộ, dẫn đến ách tắc. Tôi đề xuất TP HCM và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai hình thành một trung tâm logistics lớn, từ đó chuyển hàng đi các khu vực, giải tỏa được căng thẳng trong vận chuyển" - ông Nam nêu ý kiến.

Liên quan đến chính sách thuế, ông Đỗ Hà Nam cho hay quy định truy thu thuế đối với DN mua hàng hóa từ các đơn vị thành viên hoặc đơn vị có liên kết từ 10% trở lên đã khiến nhiều DN bức xúc. Trong bối cảnh TP đang kêu gọi DN cùng TP hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng liên kết thì việc truy thu thuế sẽ khiến DN không còn hào hứng đầu tư về địa phương. Do đó, TP nên đề xuất sửa đổi chính sách phù hợp.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, nêu rõ dù TP nằm trong tốp 6 TP xuất khẩu phần mềm trên bản đồ thế giới nhưng việc gia công, xuất khẩu phần mềm hiện vẫn ở mức độ bán sức lao động nhiều hơn tạo ra giá trị gia tăng cao. "Cần có cơ chế hỗ trợ thêm cho DN có sản phẩm xuất khẩu bởi lĩnh vực này có tiềm năng mang lại giá trị gia tăng lớn. TP cũng nên khuyến khích, hỗ trợ các trường ĐH đào tạo thêm những ngành theo xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, bởi nhu cầu nhân lực nhóm này trong 3-5 năm tới sẽ rất lớn" - ông Tuấn góp ý.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận ý kiến của các đại biểu và cho hay TP sẽ chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức phân tích, đối thoại cụ thể để tìm ra giải pháp cho xuất khẩu của TP. Chính quyền cũng nhìn nhận các đề án về đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, logistics và phát triển xuất khẩu là những đề án có tính liên kết cao. Do đó, đặt vấn đề phát triển xuất khẩu là một trong những phương hướng rất quan trọng của TP trong việc phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI.

"Hoạt động xuất khẩu có vai trò hết sức quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế - xã hội TP. Qua hội thảo, TP nhận thức việc xác định vị trí hàng hóa xuất khẩu, chọn thị trường xuất khẩu, xem xét lợi thế so sánh từ 10 năm trước để xác định mục tiêu xuất khẩu… là những vấn đề lớn. Để xuất khẩu bền vững, phải gắn kết với các vùng, đặc biệt là kết nối giao thông, tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, sự cộng hưởng trách nhiệm giữa chính quyền TP, DN xuất khẩu và nhà nghiên cứu có vai trò quyết định. TP HCM là động lực, là chỗ dựa cho cả nước, cho vùng đô thị TP HCM" - Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nói thêm. 

Sở Công Thương TP HCM cho biết ước xuất khẩu của TP giai đoạn 2021-2030 tăng bình quân 7%/năm, trong đó các FTA góp phần tăng xuất khẩu khoảng từ 2%-3%/năm. Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu của TP ước đạt 49 tỉ USD; giai đoạn 2021-2025 ước đạt 80 tỉ USD/năm và giai đoạn 2026-2030 ước đạt 129 tỉ USD/năm.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo