Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến 20-10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt 23,48 tỉ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỉ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 2.100 dự án mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 11,66 tỉ USD.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 10,7 tỉ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỉ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ.
Doanh nghiệp tìm hiểu thông tin từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tại hội thảo xúc tiến, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư ở TP HCM. Ảnh: Linh Anh
Singapore hiện dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn ngoại vào Việt Nam với 7,51 tỉ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỉ USD; TP HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP HCM dẫn đầu với 776 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 438 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 125 dự án.
Báo cáo của Cục Thống kê TP HCM cho thấy trong các ngành, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngành thương mại, công nghiệp dẫn đầu với vốn đăng ký 838 triệu USD; hoạt động kinh doanh bất động sản 772 triệu USD; tiếp theo các ngành chuyên môn khoa học và công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng…
Tại hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19 được tổ chức ở TP HCM hôm 30-10, nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho hay thời điểm này do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà đầu tư chưa thể trực tiếp qua Việt Nam tìm hiểu dự án để rót vốn.
Tuy nhiên, chiến lược lâu dài của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn vốn ngoại, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển của các dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Bình luận (0)