UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp tập thể thường trực UBND TP nghe báo cáo việc giảm tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống (gọi tắt là tiền thuê sạp chợ) trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM chấp thuận chủ trương giảm tiền thuê sạp tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12-2020 theo đề xuất của Sở Công Thương; đồng thời giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn UBDN quận, huyện thực hiện giảm 50% tiền thuê sạp chợ trên địa bàn trong giai đoạn nói trên.
Nguồn kinh phí hoạt động của chợ trong thời gian giảm thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được cân đối từ nguồn thu và các quỹ (quỹ dự phòng ổn định thu nhập, quỹ phúc lợi) của đơn vị để bảo đảm các hoạt động thường xuyên trong thời gian miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.
Trong trường hợp nguồn thu và các quỹ tại đơn vị không bảo đảm chi hoạt động thường xuyên, UBND quận, huyện cấp bù phần kinh phí còn thiếu để bảo đảm chỉ hoạt động cho Ban quản lý chợ do thực hiện chính sách giảm tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo chỉ đạo của UBND TP HCM.
Trong trường hợp ngân sách quận, huyện có khó khăn, không cân đối được nguồn, UBND quận, huyện có báo cáo, đề xuất Sở Tài chính trình UBND TP HCM xem xét, quyết định.
Tiểu thương chợ truyền thống sẽ được giảm 50% tiền thuê sạp chợ trong 6 tháng cuối năm 2020
Việc chính quyền TP HCM quyết định giảm 50% tiền thuê sạp chợ cho tiểu thương chợ truyền thống nhằm hỗ trợ tiểu thương khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và góp phần giúp tiểu thương tổ chức lại hoạt động kinh doanh trong hiện tại. Theo Sở Công Thương, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại các chợ truyền thống, mãi lực giảm mạnh 50%-80% từ tháng 2 đến nay khiến nhiều người bán hàng gặp khó khăn trong việc kinh doanh.
Tại một số chợ hạng 1 chuyên phục vụ khách du lịch như Bến Thành, Bình Tây…, mãi lực giảm đến 80%-90% do chính sách không mở cửa đối với du khách, khiến thương nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, các chợ vẫn hoạt động để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các thương nhân khi vẫn phải tốn các chi phí để duy trì việc bán hàng trong khi doanh thu giảm.
Cũng theo Sở Công Thương TP HCM, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ có tác động đến nhiều mặt như: giá cả thị trường, chi phí bán hàng, tâm lý thương nhân, các chính sách an sinh xã hội... Do đó, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống ở TP HCM thuộc trường hợp là giá dịch vụ thiết yếu.
Bình luận (0)