Chiều 1-9, Sở Du lịch và Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã chính thức làm lễ khai trương, đưa tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào khai thác phục vụ người dân TP nhân dịp Quốc khánh 2-9. Dự án do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đầu tư và khai thác.
Tạo sức sống cho các tuyến đường thủy
Tuyến du lịch đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tổng chiều dài 4,5 km, đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Toàn tuyến có 2 nhà ga, trong đó nhà ga số 1 được đặt trên đường Hoàng Sa (gần chân cầu Thị Nghè, quận 1), nhà ga số 2 đặt tại khu vực phía quận 3 (gần chùa Chantarangsay - cầu Lê Văn Sỹ).
Để phục vụ du khách, chủ đầu tư đã chuẩn bị 10 thuyền nhỏ, mỗi thuyền có thể chở từ 2-6 khách và 2 thuyền lớn, mỗi thuyền chở từ 7-20 khách. Thay vì sử dụng động cơ, thuyền sẽ được vận hành bằng chèo hoặc chống để tránh ảnh hưởng môi trường sinh thái và tạo cho khách tham quan cảm giác thư thái.
Bà Trần Anh Thy, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, cho biết tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè là khu vực thuận tiện để khai thác du lịch vì khu vực này có nhiều công trình kiến trúc hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hơn nữa, sau khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo, nguồn nước đã trong xanh trở lại và đây là điều kiện để phát triển du lịch. Đặc biệt, do kênh chạy xuyên trung tâm TP, hai bên lại có nhiều ngôi chùa rất đẹp, dễ tạo cho khách tham quan cảm giác thanh bình.
“Ngoài việc tận mục cảnh sắc Sài Gòn từ dưới mặt nước, du khách tham gia tuyến du lịch này còn được thưởng thức các đặc sản mang phong cách đặc trưng của Nam Bộ như đờn ca tài tử, sáo, đàn tranh của các nghệ nhân nổi tiếng; nghe lịch sử hình thành và phát triển của TP HCM cũng như lịch sử về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…” - bà Thy chia sẻ.
Có mặt tại buổi khai trương tuyến du lịch đường thủy này, ông Sung - người sinh sống bên dòng Nhiêu Lộc gần trọn đời - phấn khởi: “Như vậy mới giống ngày xưa, chớ kênh mà vắng ngắt thì là kênh chết, thấy cá mà không thấy thuyền, không thấy sóng cũng thua!”.
Ông Sung mong rằng ngoài thuyền chèo, các công ty du lịch sau này mà đầu tư thêm ca-nô, xuồng máy đưa du khách xem cảnh tái hiện trên bến dưới thuyền ngay dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì còn gì đẹp hơn.
Cơ hội phát triển du lịch
Lý giải về số lượng thuyền đưa vào hoạt động còn ít, tuyến còn ngắn, đại diện chủ đầu tư cho rằng do còn mới mẻ nên bước đầu dự án chỉ mới dừng lại ở chiều dài toàn tuyến 4,5 km và 12 thuyền các loại nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của khách tham quan. Về lâu dài, số thuyền có thể được đầu tư lên 40 chiếc và chiều dài toàn tuyến có thể được tăng lên. Đặc biệt, giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ mở rộng khai thác thêm tại khu vực kênh Tàu Hủ và kênh Tân Thuận để áp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Cũng theo đại diện Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, ở tuyến du lịch trên kênh Tàu Hủ và kênh Tân Thuận, đơn vị này sẽ sử dụng thuyền có gắn động cơ vì ở 2 hệ thống kênh này, dòng nước chảy xiết không thể sử dụng thuyền chèo tay như trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết trong 5 năm qua, TP đã xây dựng các cầu tàu, bến neo đậu để thúc đẩy phát triển du lịch thủy, tạo điều kiện cho việc phát triển ngành du lịch nói chung của TP. Thời gian qua, du lịch đường thủy của TP HCM gặp khó khăn do không tiếp tục sử dụng bến Bạch Đằng. Do đó, việc đưa tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào khai thác sẽ góp phần cho du lịch thủy khởi sắc.
“Và để du lịch thủy ngày càng phát triển ở Sài Gòn, TP cũng đã có kế hoạch phát triển tuyến đường thủy du lịch đoạn từ cầu Mống cho đến kênh Tàu Hủ dọc theo đại lộ Đông Tây và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2016. Bên cạnh đó, tập trung phát triển du lịch thủy đi các khu vực khác trên địa bàn TP và từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây, Campuchia theo các hệ thống sông lớn và sông Mê Kông bằng nhiều phương tiện khác nhau” - ông Khánh cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bà Nguyễn Thị Hồng, nói: Không phải đợi đến bây giờ mà từ lâu, để phát triển bền vững ngành du lịch, TP đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch đường sông. Cụ thể, trong năm 2014, TP đã đầu tư xây dựng 6 điểm nhà chờ, bến đỗ.
Trong năm nay, TP dự kiến xây dựng thêm 5 điểm mới để kích thích xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào du lịch nội đô mà TP đang chú trọng để mai này người dân TP cũng như du khách có điều kiện du ngoạn, tận hưởng những vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng cho Sài Gòn - TP HCM.
Giá vé cao nhất: 220.000 đồng
Theo Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, hành khách nếu có nhu cầu du ngoạn thì đến thẳng nhà ga để mua vé. Giá vé dao động từ 110.000 đồng đến 220.000 đồng/người/chuyến, mỗi chuyến kéo dài 1 giờ 30 phút. Thời gian phục vụ hành khách sẽ bắt đầu từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Bình luận (0)