Những thuyền du lịch chèo tay này do Công ty Thuyền Sài Gòn (Saigon Boat) điều hành. Mỗi thuyền có thể chở khoảng 20 khách, đi từ Thảo Cầm Viên (quận 1) đến gần chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) hết khoảng 2 giờ. Nếu con nước thuận lợi, thuyền sẽ đưa khách đi liên tục từ sáng sớm đến 23h đêm.
Tour du ngoạn kênh Nhiêu Lộc sẽ được khai thác từ tháng 12-2014. Ảnh: ML
Đại diện công ty cho biết, kênh Nhiêu Lộc chỉ rộng chừng 60 m nên sử dụng thuyền chèo tay thích hợp. Ngoài ra, do một số cây cầu bắc qua kênh thấp nên tàu chỉ cao khoảng một mét mới có thể chui qua.
Vào tuần trước, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép khai thác du lịch trên kênh Nhiêu Lộc nên công ty này đang gấp rút đưa ra sản phẩm mới. Không chỉ đóng thuyền, công ty cũng sẽ xây hai bến lên - xuống ở gần Thảo Cầm Viên và gần chùa Vĩnh Nghiêm.
Cùng với 10 chiếc thuyền chèo tay trên kênh Nhiêu Lộc, 10 chiếc thuyền chạy bằng máy khác cũng đưa khách du ngoạn từ bến Nhà Rồng đến bến Bình Đông. Thời gian đi của tour này vào khoảng một giờ. Mỗi chiếc có giá khoảng 550 triệu đồng, thuyền chèo tay bằng một nửa giá.
Tour mới sẽ được bán trong tour tham quan thành phố. Du khách vừa nhìn ngắm TP HCM bằng đường bộ rồi lại có thêm khoảng 1-2 giờ đi trên sông nước.
Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP HCM, tour đường sông là sản phẩm được tập trung phát triển. Sau khi chính thức giới thiệu 7 tour đường sông, thành phố đang tiến hành xây cầu tàu, nhà chờ ở một số điểm như gần chùa Long Hoa (quận 8), cầu Chà Và (quận 8), Cầu Móng (quận 4), gần phà Bình Khánh (Cần Giờ)... Đến cuối năm nay, sẽ có 8-10 cầu tàu, nhà chờ mới đi vào hoạt động. Đề án xây dựng bến tàu du lịch Bạch Đằng cũng đang được xét duyệt.
Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có chiều dài gần 9km từ Đông sang Tây, từng được mệnh danh là dòng kênh đen do ô nhiễm. Nhưng từ khi TP HCM triển khai cải tạo, giai đoạn một của dự án này đã hoàn thành những hạng mục cơ bản, khắc phục môi trường nước nơi đây.
Bình luận (0)