UBND TP HCM vừa ban hành văn bản 1294 ngày 5-4 về hỗ trợ các chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn thành phố nâng công suất giết mổ công nghiệp.
Cụ thể, đối với dự án của Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan kiến nghị xin đóng tiền thuê đất 1 lần trong suốt thời gian thuê để trình UBND TP HCM xem xét, giải quyết. Nếu khó khăn này được tháo gỡ, công ty có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
UBND thành phố cũng giao sở này xem xét, giải quyết kiến nghị liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất còn lại của dự án Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ.
Đối với Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, UBND TP HCM chấp nhận cho nhà máy Xuân Thới Thượng thuộc công ty được đưa vào hoạt động nhà xưởng số 1 giết mổ công nghiệp từ ngày 1-4 trong thời gian khắc phục, hoàn chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ của dây chuyền giết mổ công nghiệp theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Giết mổ heo công nghiệp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm
Với Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), UBND TP HCM giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan có ý kiến về các hạng mục điều chỉnh của so với thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về dây chuyền giết mổ công nghiệp, quy trình kiểm soát...
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, đêm 5 rạng sáng 6-4, toàn thành phố đã giết mổ công nghiệp 5.602 con heo, tăng hơn 9% so với hôm trước.
Sản lượng heo giết mổ công nghiệp tập trung ở nhà máy An Hạ (2.153 con); Xuân Thới Thượng (2.097 con). Hai nhà máy này đang lấy giá gia công bằng với giết mổ thủ công trước đó.
Trong khi đó, nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp của Sagri (huyện Củ Chi) có công suất thiết kế hơn 1.900 con/ngày có sản lượng hiện tại còn hạn chế.
Ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Sagri, cho hay nhà máy đang có kế hoạch đón thương lái về giết mổ công nghiệp. Đồng thời, có ưu đãi về giá, thời gian giết mổ, vận chuyển và cam kết chất lượng thịt heo sau giết mổ để các thương lái quen dần với mô hình giết mổ heo mới.
Nhu cầu sử dụng thịt heo tại TP HCM hiện khoảng 10.000-11.000 con/ngày nhưng sản lượng giết mổ tại thành phố chỉ mới đáp ứng 50%, còn lại là thịt heo từ các tỉnh đưa về và sản phẩm đông lạnh. Đây là dư địa lớn để các nhà máy thu hút thêm sản lượng, nâng công suất giúp hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
Bình luận (0)