Ngày 3-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, cho biết ngày thứ 3 vận hành nhà máy giết mổ heo công nghiệp, sản lượng duy trì ở mức khoảng 2.100 con/ngày nhờ công ty giữ giá gia công bằng giết mổ thủ công trước đó. Sản lượng này đạt khoảng 65% công suất thiết kế nhà máy (3.200 con/ngày).
"Tình hình rất khó, mình lấy giá này thương lái họ mới chịu đưa heo về giết mổ, nâng lên đúng giá của chi phí giết mổ thủ công thì họ đòi về tỉnh làm. Tôi đầu tư vào nhà máy 700 tỉ đồng, giờ tạm thời lấy giá gia công này dự kiến lỗ 2 tỉ đồng/tháng. Nhưng tôi chỉ có thể gồng lỗ trong 3 tháng, kéo dài sẽ phải đóng cửa nhà máy giết mổ heo công nghiệp" – bà Thắm than thở.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (bìa trái) cùng đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM tại ngày hoạt động chính thức đầu tiên
Bà Thắm nói thêm, ở các tỉnh, chi phí đất rẻ, lại cho giết mổ thủ công nên chỉ cần 7 tỉ đồng đã có thể tổ chức giết mổ được công suất heo với công suất 3.000 con/ngày (bằng 1% chi phí nhà máy An Hạ).
Còn nhà máy Xuân Thới Thượng thuộc Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn trong 3 ngày qua cũng gia công được từ 2.033 – 2.170 con trong khi công suất thiết kế là 4.000 con/ngày với giá 40.000 đồng/con (chưa thuế GTGT), bằng với giết mổ thủ công.
TP HCM cấm giết mổ heo thủ công nhưng các chợ vẫn nhận thịt heo giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về khiến nhiều chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp lo lắng vì khó giữ mối.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, ngày 3-4, sản lượng heo giết mổ tại TP HCM là 5.499 con, các cơ sở giết mổ thủ công đều đã chấp hành ngưng hoạt động (trừ cơ sở Trung Tuyến – huyện Cần Giờ vẫn mổ 22 con để phục vụ nhu cầu tại chỗ).
Sau 3 ngày TP HCM chuyển đổi sang giết mổ công nghiệp hiện đại, sản lượng heo giết mổ tại TP HCM đã giảm từ 1.000 – 1.500 con/ngày. Trước đó, đơn vị này đã khảo sát các thương lái khi chuyển đổi thì sản lượng chuyển về tỉnh ước tính khoảng 1.100 con/ngày.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, các nhà máy giết mổ công nghiệp chỉ mới đi vào hoạt động nên chưa thể lấp đầy công suất. Khi công suất tăng, chi phí gia công sẽ hạ xuống.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà máy mở rộng thêm khu vực pha lóc thịt heo, khu chế biến,… để gia tăng giá trị, biên lợi nhuận thay vì chỉ gia công heo hơi thành heo mảnh như hiện nay" - ông Hiệp nói.
Bình luận (0)