Đây là đề xuất của PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, xung quanh những giải pháp để du lịch TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh với điểm đến khác trong khu vực.
Dẫn kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch của một số điểm đến nổi tiếng trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Singapore, Seoul (Hàn Quốc)..., PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng du lịch TP HCM có thể học hỏi kinh nghiệm, áp dụng phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Chẳng hạn, TP cần có sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với nhu cầu của các thị trường trọng điểm đã xác định trong chiến lược phát triển du lịch điểm đến nhằm tạo sự khác biệt; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến. Cùng với đó là chiến lược xúc tiến quảng bá có tính chuyên nghiệp cao với sự hỗ trợ từ chính quyền qua quỹ phát triển du lịch. Đây là bài học từ nhiều điểm đến trong top 10 thành phố thu hút nhiều khách du lịch hàng đầu thế giới năm 2017, đặc biệt là Singapore.
Năm 2017, Singapore xếp thứ 5 trong tốp 10 thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất với 13,4 triệu lượt khách. Để đạt được vị trí này, một trong những giải pháp là chú trọng hoạch định, xây dựng chiến lược và lập các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn.
Như trong kế hoạch "Du lịch 2015", Singapore tập trung phát triển các thị trường chính với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về điểm đến này, phát triển thành một điểm du lịch "phải đến", nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm trọng tâm. Để thực hiện kế hoạch trên, trước đó nước này đã chi 300 triệu đô la Sing tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô la Sing phát triển sản phẩm du lịch...
Các chuyên gia cho rằng TP HCM cần tiếp tục đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Ảnh: Tấn Thạnh
"Từ bài học của Singapore, TP HCM cần sớm rà soát lại hệ thống sản phẩm du lịch, có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với đặc điểm, tiềm năng về tài nguyên du lịch và vị trí của TP trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long" - PGS.TS.Phạm Trung Lương góp ý.
Đồng thời, theo các chuyên gia du lịch, TP cần tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện với du khách, đi kèm với những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm pháp luật từ doanh nghiệp và du khách. Đây là kinh nghiệm của nhiều điểm đến, nhất là Bangkok và Singapore.
Như Bangkok, nhiều năm liên tiếp được xếp ở vị trí hàng đầu của các thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới. Năm 2017 điểm đến này đón 20,1 triệu lượt khách. Một trong những giải pháp của điểm đến này là bảo đảm môi trường an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch. Bangkok là một trong những điểm đến đầu tiên lập lực lượng cảnh sát du lịch được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đây là lực lượng không chỉ thực thi pháp luật, trực tiếp tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch, hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định...
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Trung Lương, dù là địa phương đi đầu trong cả nước đề xuất ý tưởng thành lập lực lượng cảnh sát du lịch nhưng đến nay du lịch TP HCM vẫn còn nhiều lúng túng trong việc phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, chính quyền các cấp trên địa bàn trong việc thực hiện mục tiêu để TP thực sự trở thành "điểm đến du lịch an toàn, thân thiện" trong mắt du khách. Việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của du khách còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, ngành du lịch TP HCM cần tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền cho phép thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khách du lịch và xử lý hành vi vi phạm đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn.
Trao đổi với Người Lao Động về ý tưởng thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, một lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM cho biết luôn ủng hộ chủ trương này và đã nhiều lần kiến nghị nhưng cho đến nay đề xuất này vẫn chưa được thông qua vì nhiều lý do.
"Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp cho du lịch TP, Sở Du lịch đều lắng nghe, tiếp nhận và sẽ tiếp tục kiến nghị lên TP và các cấp cao hơn để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn" – vị lãnh đạo này nói.
Bình luận (0)