Ngày 5-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với lãnh đạo WB tại Việt Nam xung quanh phương thức tài trợ vốn vay mới cho TP.
Đủ khả năng vay - trả nợ
Theo UBND TP HCM, thời gian qua, bên cạnh việc cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn, WB còn phối hợp với TP thực hiện một số nghiên cứu chính sách như báo cáo đánh giá hiệu quả quản lý nợ cấp chính quyền địa phương, báo cáo đánh giá chi tiêu công… Từ đây, WB nhận định TP HCM là địa phương có tiềm lực tài chính, có khả năng vay - trả nợ nên dự kiến cung cấp hình thức tài trợ mới là hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách TP thay vì cho vay từng dự án cụ thể như trước.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá phương thức tài trợ chính sách phát triển của WB đáp ứng được yêu cầu cấp bách của TP HCM hiện nay về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý, cải cách thể chế. Cụ thể, nếu được vay vốn, TP sẽ được hỗ trợ nguồn tài chính trong thời gian dài từ 20-30 năm. Từ đó, TP sẽ chủ động trong việc hỗ trợ kỹ thuật để cải cách, đổi mới về cơ chế và chính sách trong các lĩnh vực ưu tiên. “Do được WB đánh giá có tiềm lực tài chính nên chúng tôi mới mạnh dạn tiếp cận phương thức vay vốn này” - ông Phong cho biết.
Trước đó, từ tháng 4-2015, UBND TP HCM đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ chấp thuận cho TP được triển khai phương án vay vốn mới, thông qua cơ chế vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là phương thức tiếp cận mới trong việc huy động nguồn vốn WB nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn và chủ động về ngân sách như TP HCM. Phương thức này cũng góp phần chia sẻ trách nhiệm trả nợ của Chính phủ đối với nguồn vốn ODA.
Hiện TP HCM đã xây dựng đề cương chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP (gọi tắt là chương trình DPO). Cụ thể, UBND TP đề nghị xem xét tổng vốn cho vay theo chuỗi 2 chương trình, mỗi chuỗi 200 triệu USD; ưu tiên đưa khoản vay của chương trình vào năm tài khóa sớm nhất có thể và tiếp tục cử chuyên gia của WB phối hợp với Sở Tài chính hoàn chỉnh đề cương.
“TP sẽ tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tranh thủ sự đồng thuận của các bộ, ngành trung ương nhằm sớm phê duyệt đề cương chương trình, đưa vào danh mục vay vốn chính thức của Chính phủ” - Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết.
Cần sự ủng hộ của trung ương
Trước đề xuất của UBND TP HCM, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, cho rằng để chính thức tiến hành một dự án cần sự “bật đèn xanh” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, TP cần tác động thêm vì đến giờ chương trình này vẫn chưa được đưa vào danh mục vay của Chính phủ.
Về tổng vốn vay 2 chương trình 400 triệu USD như đề xuất của TP HCM, bà Victoria Kwakwa lo ngại số tiền này quá lớn và “là một thách thức”. Dù TP có vị trí quan trọng nhưng phía bộ, ngành trung ương sẽ khó chấp nhận và ngay cả nguồn lực chính sách của WB cho Việt Nam cũng khó bố trí số vốn lớn như vậy. “Quy mô các chương trình nên từ 50-100 triệu USD sẽ thuận lợi hơn” - bà Victoria Kwakwa gợi ý.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết khi TP tính toán chuỗi đầu tư có xem xét đến khả năng trả nợ nhưng sẽ nghiên cứu lại cho phù hợp hơn.
Bình luận (0)