Ngày 27-10, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dự hội nghị.
Mô hình thành công
Báo cáo tại hội nghị, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hepza, cho biết mô hình KCX đầu tiên của cả nước là KCX Tân Thuận (quận 7) được thành lập vào năm 1991. Sau 30 năm phát triển, đến nay TP HCM có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.811,71 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch KCX, KCN của thành phố. Tỉ lệ lấp đầy các KCX, KCN đạt 77% và cơ bản đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Tính đến tháng 9-2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng 45%.
Bình quân hằng năm các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD, chiếm tỉ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của các KCX, KCN đạt 7 tỉ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; nộp ngân sách trung bình hằng năm đạt hơn 22.000 tỉ đồng, chiếm 6% thu ngân sách TP HCM (không kể dầu thô). Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao những thành tích đã đạt được trong 30 năm phát triển các KCX, KCN của TP HCM. "Sự phát triển của các KCX, KCN đã tạo động lực cho phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của thành phố.
Thành công trong việc xây dựng và thu hút đầu tư vào các KCX, KCN TP HCM còn có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương lân cận trong khu vực Đông Nam Bộ, đẩy nhanh quá trình hình thành các cụm liên kết ngành, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, liên kết các KCN trong vùng tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp gắn với chuỗi giá trị" - Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển nhằm đánh dấu một chặng đường quan trọng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP HCM. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị về tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và tư duy đổi mới liên tục, năng động sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
"Trước đây, chúng ta nhìn ra cả nước, thấy rằng như vậy là tiên phong, đột phá nhưng bây giờ nhìn ra ngoài, nhìn các thành phố xung quanh ta, những thành phố lớn trên thế giới để định vị lại TP HCM. Phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP HCM đang ở mức nào để tiếp tục phấn đấu" - ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại diện các nhà đầu tư tại các KCX, KCN TP HCM bên lề hội nghị. Ảnh: QUANG LIÊM
Hàng loạt định hướng, giải pháp mới
Dù đạt những thành tựu khả quan nhưng tổng kết quá trình 30 năm phát triển các KCX, KCN TP HCM cũng phản ánh chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa.
Hiệu quả sử dụng đất cũng chưa cao. Một hạn chế khác là mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới mà chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Ngoài ra, hạ tầng, nguồn nhân lực… của các KCX, KCN cũng chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Đặc biệt, mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến sự phát triển các KCX, KCN trên địa bàn thành phố.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Thứ trưởng Trần Duy Đông gợi ý TP HCM cần nghiên cứu, xem xét tập trung vào một số trọng tâm để phát triển hiệu quả các KCX, KCN. Cụ thể là tiếp tục phát huy các kinh nghiệm và thành công trong việc xây dựng, thu hút đầu tư vào các KCX, KCN thời gian qua; nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCX, KCN hiện có; đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng hiện nay TP HCM đang chạy đua thực hiện cho bằng được công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030. "Thời gian không còn dài, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy để thích ứng giai đoạn mới, để đáp ứng được yêu cầu cũng như trọng trách tiếp tục là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước và phải tiếp tục tiên phong trong giai đoạn tới" - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy, bối cảnh công nghiệp buộc phải chuyển sang mô hình mới như hiện nay, các KCX, KCN phải tập trung cải tiến toàn diện và quyết liệt nhằm loại bỏ những công nghiệp già cỗi, thâm dụng lao động, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao để tái cấu trúc công nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghệ vật liệu mới, đồng thời bảo đảm vai trò chuyển giao công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng các KCX, KCN; cần mạnh dạn loại bỏ và đưa ra khỏi quy hoạch các KCN không khả thi; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng xã hội trong các KCX, KCN phục vụ người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp" - Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Phát huy cơ chế "một cửa"
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" thông thoáng để thu hút đầu tư và phát triển. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận.
Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCX, KCN tại thành phố, cơ chế này đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý KCX, KCN, khu kinh tế trong cả nước.
Hepza kiến nghị Trung ương tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế "một cửa tại chỗ" để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại KCX, KCN, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào KCX, KCN.
Bình luận (0)