Theo Quyết định số 2515/QĐ-UBND ngày 11-7-2020 của UBND TP HCM, đến ngày 31-12-2020, tất cả cơ sở giết mổ heo thủ công hiện hữu trên địa bàn TP phải ngưng hoạt động và di dời vào các nhà máy giết mổ công nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 3/6 nhà máy giết mổ heo công nghiệp đi vào hoạt động, 3 dự án còn lại đang gặp vướng mắc nên không đáp ứng được tiến độ để thay thế lò giết mổ thủ công.
Lại phải gia hạn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP, tổ trưởng tổ công tác liên ngành hỗ trợ thực hiện thủ tục xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP - cho hay qua thảo luận, tổ công tác đã thống nhất đề xuất lùi thời hạn đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công đến hết năm 2021. Các cơ sở được xem xét gia hạn thời gian hoạt động phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định.
Hiện Sở NN-PTNT đang lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản từ các sở, ngành và một số quận, huyện về việc gia hạn hoạt động của những cơ sở thủ công hiện hữu (đến ngày 5-12) để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
"Qua năm 2022, tất cả nhà máy giết mổ heo công nghiệp đều hoạt động, đáp ứng được công suất giết mổ heo, cung cấp thực phẩm cho người dân TP HCM mới có thể đóng cửa đồng loạt các cơ sở thủ công. Mỗi dự án chậm tiến độ lại có vướng mắc khác nhau như: vốn, đường kết nối từ bên ngoài vào nhà máy và vấn đề quy hoạch. Ngoài ra, một vấn đề khác là giải pháp để định hướng thương nhân đưa heo vào giết mổ tại nhà máy hiện đại chứ không phải về các tỉnh giết mổ thủ công rồi cung cấp thịt cho TP HCM" - ông Hiệp thông tin.
Cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM) xin gia hạn hoạt động, chờ nhà máy An Hạ xây dựng xong Ảnh: QUANG LIÊM
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ - chủ dự án nhà máy giết mổ gia súc An Hạ (huyện Củ Chi) với công suất 3.000 con/ngày, kể khổ do thủ tục pháp lý xây dựng nhà máy quá phức tạp mà đến nay vẫn chưa thể khởi công dù đã triển khai dự án 5 năm.
"Tổng vốn đầu tư của nhà máy gần 300 tỉ đồng nên công ty cần phải vay vốn ngân hàng, ngân hàng lại yêu cầu điều kiện về hình thức sử dụng đất phải là thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, trong khu đất dự án có gần 390 m2 đất công vốn là một con mương và bờ bao, chiếm khoảng 1,3% diện tích dự án đang được Sở Tài nguyên và Môi trường TP đề xuất cho doanh nghiệp (DN) thuê đất dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm. Chúng tôi đang xin điều chỉnh nhằm gỡ vướng mắc này để có thể vay vốn ngân hàng, triển khai dự án" - bà Thắm bày tỏ.
Trong thời gian chờ xây dựng nhà máy mới, DN này cũng đề xuất được duy trì cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, có cùng chủ sở hữu). "Nếu đóng cửa ngay cuối năm 2020, các mối gia công giết mổ sẽ về tỉnh hoạt động, khi ấy rất khó để thu hút họ đưa heo về giết mổ công nghiệp" - bà Thắm lo lắng.
Vẫn câu chuyện về giá
Một nghịch lý khác, những nhà máy giết mổ công nghiệp đã hoàn thành lại đang hoạt động dưới công suất. Theo đó, cả 3 nhà máy đã đi vào hoạt động giết mổ của các DN gồm: Công ty TNHH Lộc An và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (huyện Củ Chi), Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) đều có công suất 2.000 con/ngày nhưng chỉ giết mổ được từ 70-650 con/ngày.
Đại diện một chủ đầu tư nhà máy giết mổ hiện đại cho hay với chi phí đầu tư lớn (vài trăm tỉ đồng một nhà máy), giá thành giết mổ hiện đại cao nên thương lái không đưa heo về. "Giá gia công giết mổ heo tại nhà máy khoảng 150.000 đồng/con trong khi làm thủ công chỉ khoảng 70.000 đồng/con (tại TP HCM). Nếu thương lái đưa heo về các lò mổ lân cận, giá chỉ còn 30.000 đồng/con nên dù cộng thêm chi phí vận chuyển, giá vẫn rất rẻ. Tất cả đều là hàng hợp pháp, có giấy tờ đầy đủ nên không ai muốn đưa heo vào giết mổ công nghiệp. Giết mổ hiện đại kiểm soát rất chặt, nếu heo bị bệnh sẽ không được giết mổ mà phải đưa đi tiêu hủy, trong khi giết mổ thủ công hoàn toàn có thể "lách" được và đưa thịt ra thị trường như bình thường. Thương lái thì có lợi nhưng người tiêu dùng lãnh đủ" - đại diện DN này phân tích.
Chưa kể, thịt heo đưa về bán tại các chợ đầu mối không có sự phân biệt về phương pháp giết mổ nên giá cả không có sự chênh lệch. Vì thế, nếu vẫn còn cơ sở giết mổ thủ công hợp pháp hoạt động, thương lái sẽ không đưa heo vào giết mổ công nghiệp.
Theo lãnh đạo một DN chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài thì hành vi của người tiêu dùng sẽ quyết định sự thành công của các nhà máy giết mổ hiện đại. "Câu chuyện lò mổ cũ người ta vẫn đưa heo vào mà không đưa vào nhà máy giết mổ hiện đại cũng như người đi chợ chọn mua thịt heo ở những sạp ngoài chợ cóc mà không vào cửa hàng sạch sẽ. Thịt sạch chỉ tăng thị phần nếu được nhiều người tiêu dùng chọn hơn mà không quá đặt nặng vấn đề giá cả" - vị này nói.
Thịt nhiễm vi sinh còn nhiều
Theo kết quả giám sát về chỉ tiêu vi sinh (Salmonella) trên sản phẩm thịt heo do Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM báo cáo mới đây, có 21 mẫu (tỉ lệ 21%) vi phạm. Mẫu được lấy tại chợ đầu mối Hóc Môn (45 mẫu), Bình Điền (45 mẫu) và siêu thị, cơ sở kinh doanh (10 mẫu).
Trong khi đó, số liệu từ Sở NN-PTNT TP cho thấy giai đoạn 2017-2020 đã lấy 1.050 mẫu thịt tại các trạm kiểm dịch động vật, nguồn từ tỉnh đưa về TP HCM tiêu thụ để kiểm tra vi sinh (Salmonella, E.coli và tổng số vi khuẩn hiếu khí) với kết quả đạt từ 68%-70%. Như vậy, số mẫu không đạt là 30%-32%, tùy chỉ tiêu. Tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP HCM, cơ quan thú y đã lấy khoảng 2.000 mẫu thịt để kiểm tra chỉ tiêu vi sinh. Kết quả, năm 2020 có 80%-84% số mẫu đạt, trong khi năm 2017 là 62%-65%. Những con số này cho thấy dù chỉ tiêu vi sinh trên thịt đã cải thiện nhưng tỉ lệ mẫu vi phạm vẫn còn nhiều.
Bình luận (0)